Ảnh: P.M. |
Kết quả trên được công bố trong hội thảo tăng cường thực thi chính sách không khói thuốc lá tại Việt Nam sáng 27/5, tại Hà Nội.
Từ ngày 1/1/2010, hành vi hút thuốc tại nhiều nơi công cộng (như lớp học, cơ sở y tế, nhà hát...) sẽ bị xử phạt nhắc nhở hoặc phạt hành chính 50.000-100.000 đồng.
Để đánh giá hiệu quả việc thực hiện quy định này, Hội Y tế công cộng Việt Nam đã tiến hành một khảo sát tại 5 tỉnh, thành là: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp.
Quy định cụ thể như sau: Từ ngày 1/1/2010, thuốc lá bị cấm hút triệt để tại các nơi công cộng như: lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 - 100.000 đồng. Ở một số địa điểm công cộng khác, người dân chỉ được hút thuốc lá trong những khu vực dành riêng như: nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, các khu vui chơi, giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường. |
Kết quả cho thấy, sau 4 tháng quy định có hiệu lực, việc vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Trong đó, tỷ lệ vi phạm tại nhà ga, bến xe là 92%, cơ sở y tế là gần 75% và trường học là gần 64%...
Lý giải thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng một phần vì Việt Nam có chế tài xử phạt nhưng lại không có ai đi xử phạt.
Vấn đề bất cập là theo quy định thì những người có thẩm quyền xử phạt là lực lượng thanh tra các ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp và công an. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra thì quá mỏng, chỉ có ở cấp tỉnh, còn chủ tịch uy ban nhân dân các cấp thì không có thời gian. Lực lượng công an lại không có thẩm quyền đưa ra quyết định xử phạt mà chỉ có thể phối hợp, một đại diện của Sở Tư pháp Hà Nội cho biết.
Cũng vì thế, nhiều nơi tỏ ra lúng túng trong việc thực hiện quy định này. Thực trạng tại Bệnh viện Đa khoa Chí Linh, Hải Dương là một ví dụ.
Đây được coi là một mô hình thực hiện tốt quy định, hiện 100% cán bộ nhân viên không hút thuốc trong bệnh viện. Trong tháng đầu thực hiện có 2 cán bộ tại bệnh viện bị xếp loại F, loại thấp nhất vì vi phạm.
Bệnh viện cũng thành lập ban chỉ đạo phòng chống hút thuốc lá nơi công cộng và mời cả công an đến bệnh viện hợp tác để xử lý các trường hợp bệnh nhân và người nhà vi phạm. Trong đó 11 người nhà bệnh nhân đã bị xử phạt với mức phạt cao nhất 100.000 đồng vì hút thuốc trong bệnh viện dù đã được nhắc nhở, ông Lê Quang Tạo, Phó chủ tịch Công đoàn bệnh viện cho biết.
Điều đáng báo động là trên thế giới trong khi tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm thì tỷ lệ hút thuốc ở nữ giới đang có xu hướng tăng. Ngành công nghiệp thuốc lá thường khiến phụ nữ hiểu sai rằng hút thuốc lá là biểu hiện của sự tự do, để giảm cân, giữ dáng. |
Tuy nhiên, nếu xét về tính pháp lý thì việc bệnh viện áp dụng mức phạt cao nhất là không đúng. Ngoài ra, ban chỉ đạo của bệnh viện cũng không có thẩm quyền đưa ra quyết định xử phạt.
Vì thế, nhằm thực hiện tốt quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng của Chính phủ, nhiều người kiến nghị cần tăng mức xử phạt hành chính để răn đe, thậm chí xử phạt cả đơn vị để xảy ra vi phạm... Ngoài ra cũng cần tăng cường lực lượng tham gia xử phạt.
Nam Phương