Nhiều người dân thành phố Venice của Italy ngày 3/6 bất ngờ khi chứng kiến du thuyền MSC Orchestra lần đầu cập cảng sau thời gian vắng bóng vì Covid-19, bất chấp việc chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi thông báo toàn bộ tàu thuyền sẽ bị cấm vào trung tâm lịch sử này.
Du thuyền MSC Orchestra với lượng giãn nước 92.000 tấn ngày 5/6 cập cảng Venice để đón 650 hành khách trước khi khởi hành đến Bari tại miền nam Italy. Động thái này vấp phải phản ứng dữ dội của người dân, châm ngòi cho đám đông hàng trăm người biểu tình trên bờ.
Tommaso Cacciari, lãnh đạo nhóm No Grandi Navi phản đối tàu cỡ lớn cập cảng Venice, chỉ trích chính phủ Italy "lừa dối không chỉ dân Venice mà còn cả báo chí và dư luận quốc tế".
Tuy nhiên, hàng nghìn người thuộc phong trào Si Grandi Navi cũng tuần hành "phản biểu tình", bày tỏ sự ủng hộ với việc du thuyền MSC Orchestra cập cảng. Nền kinh tế Venice phụ thuộc vào ngành công nghiệp du thuyền, hoạt động bị đình trệ sau khi Covid-19 bùng phát năm ngoái, khiến nhiều người mất việc.
Chính phủ Italy hồi cuối tháng 3 thông báo các du thuyền sẽ bị cấm đi qua Quảng trường St. Mark và cập cảng du thuyền của Venice. Các du thuyền sẽ phải chuyển hướng tới cảng công nghiệp Marghera, trong lúc kế hoạch xây dựng một cảng du lịch bên ngoài thành phố đang được triển khai.
Nghị định trên được hạ viện Italy thông qua vào tháng 5. Bộ trưởng Văn hóa Dario Franceschini nói những con tàu "cao như tòa nhà chung cư" bị cấm đến trung tâm Venice "vĩnh viễn".
Tuy nhiên để các du thuyền chuyển hướng tới cảng Marghera, hạ tầng tại đây phải được chuẩn bị. Trong khi đó, cách duy nhất để du thuyền đi vào Venice hiện tại là qua kênh Giudecca, nơi du thuyền MSC Opera hồi tháng 6/2019 đâm vào cầu cảng và một du thuyền khác khiến 5 người bị thương.
"Chính phủ Italy biết đây là điều bất khả thi do con kênh mà các tàu phải đi qua để tới Marghera quá hẹp và không đủ sâu", Cacciari nói. "Do đó cần phải nạo vét con kênh để tránh sự cố xảy ra, song điều này thậm chí tàn phá khu đầm phá hơn nữa".
Cacciari cho biết mục đích của cuộc biểu tình phản đối tàu thuyền cỡ lớn cập cảng là "làm cho chính phủ nhận ra và giải thích về câu chuyện vốn được cả thế giới biết đến, song những con tàu lớn vẫn xuất hiện ở đây. Thấy đáng xấu hổ".
Khách du lịch bắt đầu lấp đầy những con đường hẹp của thành phố Venice, sau khi giới chức nới lỏng hạn chế di chuyển để ngăn nCoV hồi tháng 5. Trước khi Covid-19 bùng phát, thành phố Venice đón khoảng 28 triệu du khách mỗi năm.
Du thuyền luôn là tâm điểm gây tranh cãi tại Venice, khi những người phản đối cho rằng chúng phá hoại khu đầm phá và làm xói mòn nền móng của các tòa nhà trong di sản thế giới do UNESCO công nhận. Tuy nhiên, ngành công nghiệp du lịch và du thuyền đóng góp lớn cho nền kinh tế địa phương. Khoảng 5.000 người làm việc tại cảng du lịch của Venice.
"Lý do chúng tôi đưa tàu tới Venice năm nay, dù đây vẫn là một năm khó khăn vì Covid-19, là vì nhiều lần được cộng đồng địa phương yêu cầu du thuyền quay trở lại", Francesco Galietti, giám đốc chi nhánh Italy của Hiệp hội Các tuyến du thuyền quốc tế (CLIA), cho biết.
Mọi tiến trình tìm ra giải pháp, vốn cần sự đồng ý của chính phủ Italy lẫn giới chức địa phương và cơ quan quản lý cảng, đều bị cản trở bởi các biến động chính trị trong nước.
"Ngành công nghiệp du lịch trong nhiều năm yêu cầu chính quyền đưa ra giải pháp ổn định cho tàu thuyền tới Venice", Galietti nói. "Đã có lúc chúng tôi cho rằng mình chốt được thỏa thuận, nhưng sau đó chính phủ sụp đổ. Cần có liên kết hoàn hảo giữa Rome và Venice để tìm ra giải pháp, song điều này không hề đơn giản".
Galietti cho biết một số cảng công nghiệp cũ được sử dụng làm nơi tiếp nhận du thuyền cùng cảng Marghera. "Chúng cần được cải hoán trước khi có thể phục vụ hành khách, tiến trình này dự kiến mất khoảng 6 tháng", Galietti nói.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)