Trong căn hộ bê-tông ở phía đông thủ đô Caracas, Venezuela, bà Zulay Perez bước vào bếp và mở vòi nước. "Thấy không? Không một giọt nước", người phụ nữ 63 tuổi nói.
Với những gia đình lao động như bà Perez, cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng. Bà ở nhà nội trợ còn chồng là công nhân nhà máy. Trước kia, họ còn có nước máy để dùng ít nhất một vài ngày trong tháng. Nhưng một năm nay, nước sạch chỉ chảy một ngày duy nhất, thậm chí không quá vài tiếng. Cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch dần lan rộng sang các khu trung lưu và giàu có trong thành phố. Người dân bắt đầu tổ chưc các cuộc biểu tình tự phát với quy mô nhỏ, theo Washington Post.
"Cái khó ló cái khôn", bà Perez hàng ngày đi lang thang trên phố để chắt nước từ các máng dẫn lộ thiên, đem về đun sôi làm nước sinh hoạt. Còn nước uống, chồng bà phải mang các chai nhựa sang nhà em gái để xin. May mắn hơn bà Perez, nhà em gái bà có bồn chứa lớn và ở khu vực chưa bị cắt nước hoàn toàn.
Ngoài thiếu nước, dân Venezuela còn vật lộn với miếng ăn. Con gái bà Perez, một giáo viên trường công, vừa lĩnh lương tuần trước. Cả nhà quyết định "tự thưởng" sau chuỗi ngày cực khổ bằng một chục trứng gà với giá 480.000 bolivar, tương đương với gần một tuần lương của một công nhân nhà máy như chồng bà Perez.
"Chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng", bà Perez nói. Bà cho rằng Tổng thống Nicolás Maduro sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 20/5 và tiếp tục nắm quyền.
Ông Maduro lãnh đạo Venezuela từ năm 2013 sau khi người tiền nhiệm Hugo Chavez qua đời. Khủng hoảng kinh tế ở đất nước Nam Mỹ ngày càng trầm trọng do ảnh hưởng của giá dầu lao dốc.
Chính quyền đổ lỗi cho "các thế lực chống phá" gây ra tình trạng hạn hán và thiếu điện nước. Nhưng người dân lại nghĩ khác. Họ cho rằng nguyên nhân xuất phát từ nạn tham nhũng trong giới chức, làn sóng lao động có tay nghề rời bỏ đất nước và lạm phát phi mã dẫn tới đồng nội tệ mất giá khiến hoạt động nhập khẩu lương thực đình trệ.
Bước chân vào bệnh viện Đại học Caracas, một trong những cơ sở y tế lớn nhất ở thủ đô, thứ đầu tiên khiến người ta choáng váng là mùi hôi. "Chúng tôi mất nước hai tuần nay rồi, hôm qua vừa mới có lại", một bác sĩ 29 tuổi, đứng tại sảnh lờ mờ ánh đèn, cho biết. "Có lúc chúng tôi còn không có nước để xả toilet".
Hệ thống y tế của Venezuela vật lột với khó khăn nhiều năm nay. Nhưng tình hình xấu hẳn đi trong mấy tháng gần đây. Các bác sĩ cho biết ba tuần trước, bệnh viện mất điện cả tuần và hệ thống dự phòng chỉ đủ cung cấp điện cho phòng cấp cứu, phòng mổ và chăm sóc đặc biệt.
Trước kia, sốt xuất huyết là bệnh hiếm gặp ở Venezuela nhưng giờ đây bệnh viện này tiếp nhận gần 40 ca mắc sốt xuất huyết mỗi ngày. Căn phòng được gọi là "phòng cách ly" dành cho các bệnh nhận thủy đậu bị mất tay nắm trên cánh cửa ra vào, tạo một lỗ thông khí với khu hành lang chung. Tiếng ho của bệnh nhân nhiễm HIV vang lên không ngớt, một vài người đã biến chứng lao phổi.
"Nhiều sinh viên Y tốt nghiệp xong ra nước ngoài ngay lập tức. Tôi cho rằng con số lên đến 90%", Oscar Noya, bác sĩ trưởng khoa điều trị sốt xuất huyết của bệnh viện cho biết đội ngũ y bác sĩ ngày càng mỏng.
Trên đường phố vắng bóng xe cộ. Hơn 70% xe bus ở Caracas đã ngừng hoạt động, theo lãnh đạo liên đoàn vận tải. Nguyên nhân là không có phụ tùng thay thế và sửa chữa, chi phí thay mới một chiếc lốp xe gần bằng một tháng lương của tài xế. Chỉ tính trong năm nay, có thêm 10-15% số xe "đắp chiếu".
Ông Leon Avila, một bảo vệ 54 tuổi, đứng đợi xe bus về nhà tại trạm cách nội đô khoảng 30 km về phía đông. Thấy một chiếc xe đang tiến gần, ông Avila mừng rỡ. Nhưng ngay khi ông định bước chân lên, hành khách trên xe gào ầm lên: "Đừng nèn thêm người nữa! Chúng tôi chết ngạt rồi đây này. Đây là cái chuồng gà chắc!". Chỉ trong tích tắc, hơn 30 con người được kéo lên chiếc xe kín mít, không cửa sổ. "Chúng tôi như những con vật bị nhốt vậy", ông Avila nói.
An Hồng