Tăng huyết áp còn gọi là cao huyết áp, tức trạng thái máu lưu thông với áp lực tăng liên tục. Một người được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Dân văn phòng được xếp vào nhóm có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp vì hội tụ cùng lúc nhiều yếu tố như stress, ngồi nhiều, ăn uống thiếu kiểm soát... Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, dân văn phòng thường ăn cơm bụi nên không kiểm soát được lượng muối, lượng dầu mỡ, không ăn đủ rau xanh như ở nhà. Bên cạnh đó, lối sống tĩnh tại, lười vận động, căng thẳng thần kinh… cũng khiến nhiều người bị tăng huyết áp.
Tại Việt Nam, hiện có gần 21 triệu người bị tăng huyết áp. Theo thống kê cứ bốn người trưởng thành thì có một người bị bệnh. Đây là bệnh lý nguy hiểm vì có thể dẫn đến suy thận, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây xuất huyết não, vỡ mạch máu não. Vì thế, nhiều người tử vong đột ngột trong vòng 1-2 phút mà không biết nguyên nhân.
Bệnh rất dễ phát hiện bằng cách đo huyết áp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn có đến 82% người dân chưa được kiểm soát huyết áp đầy đủ. Trong đó khoảng 8,1 triệu người không biết mình có bệnh; 0,9 triệu người biết mình có bệnh nhưng không điều trị và 8,1 triệu người điều trị nhưng huyết áp không được kiểm soát đầy đủ.
Theo giáo sư Việt, tăng huyết áp có thể có triệu chứng báo hiệu trước như: đau đầu, chóng mặt, thấy o o trong tai, ruồi bay trong mắt... Tuy nhiên, thực tế nhiều người chỉ biết có bệnh khi nhập viện cấp cứu vì đột quỵ. Có nhiều người huyết áp vọt lên đến hơn 200 nhưng họ lại không thấy triệu chứng gì.
"Cũng vì thế mà bệnh còn gọi được gọi là 'kẻ giết người thầm lặng', chỉ một số ít người bệnh thấy triệu chứng. Vì thế cách tốt nhất là người dân nên đi khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ở các nước vấn đề khám sức khỏe định kỳ rất tốt nhưng tại nước ta nhiều nơi chưa làm được. Có trường hợp vào viện vì tai biến mạch máu não mới biết mình mắc bệnh", giáo sư Việt nói.
Tăng huyết áp là bệnh phải điều trị lâu dài, thậm chí điều trị suốt đời. Mục tiêu là đạt được huyết áp tiêu chuẩn 140/90. Việc này phụ thuộc vào cả người bệnh và bác sĩ.
Về phía người thầy thuốc, nguyên tắc điều trị là phối hợp thuốc để tăng hiệu quả, giảm tác dụng không mong muốn. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuần thủ điều trị của bác sĩ. Thuốc huyết áp phải dùng thường xuyên nhưng nhiều khi người bệnh thấy bệnh khỏi thì không uống nữa, có người lấy đơn thuốc của người khác dùng. Có bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng lấy lý do không đau đầu, không chóng mặt nên không cần điều trị.
Xem thêm:
- Dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp
- Phòng ngừa đột quỵ ở người cao huyết áp
Phương Trang