Công ty Na Uy Wind Catching Systems (WCS) giới thiệu thiết kế dàn turbine gió nổi mỗi năm có thể sản xuất lượng điện gấp 5 lần những turbine gió đơn lớn nhất thế giới, giúp giảm đáng kể giá điện, New Atlas hôm 8/6 đưa tin.
Dàn turbine gió mang tên Windcatcher, cao hơn 320 m và trang bị ít nhất 117 cánh quạt xếp so le. Windcatcher đặt trên một bệ nổi neo xuống đáy biển nhờ các phương pháp được sử dụng trong ngành công nghiệp dầu khí.
WCS cho biết, Windcatcher có diện tích quét (vùng cánh quạt quay) gấp đôi turbine gió truyền thống lớn nhất thế giới - Vestas V236 công suất 15 MW. Ngoài ra, các cánh quạt nhỏ của nó có thể hoạt động tốt hơn nhiều với vận tốc gió hơn 40 - 43 km/h, khi các turrbine lớn có xu hướng nghiêng cánh để hạn chế sản xuất và bảo vệ bản thân khỏi hư hại. Mỗi dàn turbine gió nổi tạo ra đủ năng lượng cho 80.000 ngôi nhà ở châu Âu.
Thay vì sử dụng các bộ phận đơn khổng lồ, Windcatcher được chế tạo với từng phần nhỏ dễ thao tác hơn nhiều. Sau khi lắp đặt bệ nổi, phần lớn công việc còn lại có thể được tiến hành bình thường mà không cần cần cẩu hay tàu chuyên dụng. Thiết kế của Windcatcher cũng cho phép các kỹ sư dễ dàng tiếp cận để bảo trì. Theo WCS, dàn turbine gió này có thể hoạt động tới 50 năm thay vì 30 năm như turbine gió đơn kích thước lớn.
So với các trang trại điện gió và điện mặt trời trên đất liền, chi phí sản xuất điện của Windcatcher vẫn tương đối đắt. Tuy nhiên, so với turbine gió ngoài khơi truyền thống, Windcatcher có thể tiết kiệm chi phí hơn. Các chuyên gia tại WCS cho biết, những dự đoán về giá điện đang dựa trên quy mô lắp đặt theo dự tính ban đầu. Họ tin rằng giá điện sẽ giảm đáng kể khi mở rộng quy mô.
WCS chưa tiết lộ thêm thông tin chi tiết về các mẫu thử nghiệm hay phiên bản lắp đặt đầu tiên. Hãng này được các công ty đầu tư North Energy và Ferd tài trợ. WCS cũng hợp tác với nhà cung cấp điện gió ngoài khơi Aibel và Viện Công nghệ Năng lượng IFE để phát triển công nghệ dàn turbine gió nổi.
Thu Thảo (Theo New Atlas)