Phần lớn turbine gió ngoài khơi hiện nay được lắp đặt ở hai nơi là Biển Bắc và ven biển Trung Quốc. Những dự án ở bờ đông nước Mỹ thường nằm ở vùng nước nông, gần nơi tiêu thụ điện. Thiết kế của công ty Hecate Independent Power (HIP) có nhiều khác biệt. Họ muốn xây dựng trang trại điện gió 10 gigawatt (GW) dưới dạng hàng loạt cụm ngoài khơi Iceland, nhưng đưa điện sản xuất được tới Anh. So với dự án của HIP, trang trại điện gió ngoài khơi đang hoạt động lớn nhất thế giới có công suất 1,2 GW và thiết kế cho công suất lớn nhất trước đây là 8,2 GW.
Iceland với nguồn cung cấp năng lượng địa nhiệt và thủy điện dồi dào không cần dựa vào điện gió nhưng Anh và châu Âu lại khác. Xây dựng và duy trì trang trại điện gió trong điều kiện kém thuận lợi sẽ làm tăng thêm chi phí.
Dự án của HIP bao gồm lắp đặt những turbine gió 10.000 megawatt (MW) cố định và trôi nổi ở Bắc Đại Tây Dương, nối tới Anh thông qua mạng lưới dây cáp truyền điện cao thế đường dài dưới biển (HVDC). Theo lý thuyết, công nghệ turbine nổi cho phép đặt turbine ở vùng nước sâu. Dây cáp sẽ gắn turbine với đáy biển. Một tổ hợp sản xuất thiết kế đặc biệt với kinh phí 277 triệu USD tại cảng ở vùng đông bắc nước Anh sẽ sản xuất dây cáp.
Các cụm turbine ở Bắc Đại Tây Dương sẽ nằm ở khu vực khí tượng khác với các trang trại điện gió ở Biển Bắc và biển Ireland hiện nay, cho phép mạng lưới điện ở Anh nhận nguồn điện tái tạo vào những thời điểm lặng gió. HIP cho biết trong giai đoạn đầu công ty này sẽ cung cấp sản lượng điện 2 GW vào đầu năm 2025.
An Khang (Theo IFL Science)