Ngày 24/3, nhiều cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó có đài trung ương (CCTV) đăng bài phản đối nhà mốt H&M khi hãng này tuyên bố không hợp tác với bất kỳ nhà máy may mặc nào ở Tân Cương, không mua nguyên liệu từ Tân Cương, trong đó có bông. Động thái của H&M được đưa ra sau khi Mỹ và một số nước châu Âu trừng phạt nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vì cho rằng họ vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bóc lột lao động người dân tộc thiểu số, kỳ thị tôn giáo.
Tài khoản Weibo của CCTV viết: "Ồ ạt kiếm tiền ở Trung Quốc nhưng gây hại cho Trung Quốc, gắp lửa bỏ tay người. Công ty như thế không hề có chút đạo đức kinh doanh, vượt quá giới hạn". CCTV kêu gọi người dùng tẩy chay H&M để dạy cho hãng này "bài học". Tài khoản Weibo của Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc viết: "Một mặt bịa chuyện, tẩy chay bông Tân Cương, mặt khác muốn kiếm tiền ở Trung Quốc. Quá ngông cuồng".
Cùng ngày, tất cả trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall... gỡ mọi hàng hóa của H&M khỏi trang web. Công ty quản lý của tài tử Hoàng Hiên, đại sứ của H&M, ra thông cáo chấm dứt hợp tác với hãng. Anh cho biết kiên quyết phản đối bất kỳ hành vi bôi nhọ nào với Trung Quốc. Tống Thiến, diễn viên quảng bá một số dự án của H&M, cũng thông báo ngừng hợp tác với hãng.
Các từ khóa liên quan tẩy chay H&M chiếm 5 trong top 10 từ khóa nổi bật trên Weibo. Nhiều người cho biết sẽ ghét bỏ cả những trang web hán hàng H&M. Trước làn sóng phản đối, tối 24/3, tài khoản Weibo của H&M đăng bài cho biết tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc và chú trọng đầu tư, phát triển lâu dài tại đây. Hãng mua bông từ bên thứ ba, không trực tiếp mua bông từ bất kỳ đơn vị cung ứng nào. Dù vậy, đông đảo khán giả tiếp tục tức giận với thương hiệu. Tài khoản Shouhuzhe nhận hơn 50.000 like với bình luận: "Lời lẽ của các người là do Trịnh Sảng dạy hả?". Trịnh Sảng là diễn viên vướng scandal mang thai hộ, bỏ con. Cô thường bị gọi là "Sảng điên" do phát ngôn khó hiểu.
Hãng H&M của Thụy Điển thành lập năm 1947, hoạt động tại hơn 60 quốc gia. Ở Trung Quốc, hãng có 445 cửa hàng tại 146 thành phố. Theo Sina, doanh số bán hàng năm 2020 của thương hiệu đạt hơn 9,7 tỷ krona (1,13 tỷ USD). Trung Quốc là một trong bốn thị trường lớn nhất của H&M.
Như Anh