Theo giới phân tích, người dân Triều Tiên đang sử dụng USD và nhân dân tệ (NDT) nhiều hơn bao giờ hết sau khi đồng won nước này bị định giá lại năm 2009, khiến tiền tiết kiệm của hàng triệu người gần như mất trắng. Trên thị trường chợ đen, đồng won đã mất giá gần 100% so với USD kể từ thời điểm đó, theo tỷ giá trên Daily NK - website chuyên thông tin về Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc).
Triều Tiên là một trong những quốc gia kín kẽ nhất thế giới. Vì vậy, đánh giá được ảnh hưởng của việc này lên nền kinh tế là rất khó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sử dụng ngoại tệ tràn lan sẽ khiến Bình Nhưỡng khó thực thi các chính sách và dẫn đến việc hình thành một nền kinh tế tư nhân ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ.
Các nhà phân tích tại Viện nghiên cứu kinh tế Samsung (Hàn Quốc) ước tính khoảng 2 tỷ USD ngoại tệ đang lưu thông tại Triều Tiên vào tháng 4, bằng 10% GDP. Trong đó có một nửa là USD, 40% là NDT và 10% bằng euro.
Việc sử dụng ngoại tệ thịnh hành đến mức Bình Nhưỡng gần như chẳng thể làm gì để cải thiện, Marcus Noland - chuyên gia Triều Tiên tại Viện kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) cho biết. USD còn được dùng để niêm yết giá bia, học phí đại học và cả giá nhà tại đây. Theo ông, Triều Tiên có thể sẽ buộc người dân cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho Chính phủ, rồi được trả bằng đồng won.
Một tiểu thương Trung Quốc tại thị trấn biên giới Changbai, gần Hyesan cho biết các quan chức Triều Tiên anh tiếp xúc đều muốn NDT hơn bất kỳ thứ gì, kể cả thức ăn. Hồi tháng 4, Daily NK còn đăng tải một video quay lén về thị trường chợ đen tại Hyesan. Tại đây, các tiểu thương đều công khai niêm yết giá bằng NDT cho tất cả sản phẩm từ găng tay đến áo khoác. Và họ chỉ chấp nhận thanh toán bằng NDT.
Clip: Thị trường chợ đen tại Hyesan |
Bình Nhưỡng đã thực hiện nhiều chiến dịch để ngăn chặn nạn sử dụng ngoại tệ, nhưng không thành công. Từ tháng 9/2012, lưu thông ngoại tệ tại Triều Tiên có thể bị tuyên án đến tử hình, theo Hiệp hội quốc tế vì nhân quyền (IFHD).
Một người dân Trung Quốc cho biết: "Tôi đã từng nghe rất nhiều chuyện về người Triều Tiên giấu ngoại tệ dưới sàn nhà hoặc chôn trên đồi. Chẳng ai muốn gửi trong ngân hàng vì đã mất niềm tin vào Chính phủ".
Năm 2009, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đột ngột tuyên bố định giá lại đồng won. Chính phủ đã bỏ bớt hai số 0 trên tờ tiền cũ và hạn chế lượng tiền cũ đem đổi lấy tiền mới. Động thái này được xem là cuộc tấn công vào hoạt động thị trường chợ đen thời điểm đó, khiến người dân càng đổ xô tìm ngoại tệ.
Việc này cũng khiến lạm phát tăng vọt và theo Cục tình báo Hàn Quốc, một vài cuộc biểu tình cũng nổ ra khi người dân Triều Tiên nhận thấy won không phải tiền tệ cất giữ an toàn.
USD đã được sử dụng tại Triều Tiên hàng thập kỷ nay, một phần nhờ các hoạt động giao thương chính thức. Còn NDT thì là hiện tượng gần đây, khi thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc gia tăng. Kim ngạch thương mại chính thức hai nước vào khoảng 6 tỷ USD mỗi năm.
Tỷ giá chợ đen đã cho thấy đồng won đã mất giá rất mạnh kể từ 2009. Theo Daily NK, đồng tiền này đã giảm giá 30%, xuống 8.500 won một USD. Trong khi đó, tỷ giá chính thức lại chỉ là 130 won. Daily NK cũng cho biết khoảng 90% giao dịch ở các vùng biên giới là bằng ngoại tệ. Tại một số nơi khác, tỷ lệ này vào khoảng 50% - 80%.
Việc sử dụng đồng won Triều Tiên ở nước này rất hiếm. Kể cả trong khu công nghiệp chung Keasong mới đóng cửa gần đây, lương của gần 53.000 công nhân Triều Tiên cũng được trả bằng USD.
Dong Yong-Sueng, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu kinh tế Samsung, cho biết rất khó ước lượng số tiền won Triều Tiên còn trong lưu thông. Thậm chí, nền kinh tế tư của nước này hiện còn lớn hơn cả kinh tế chính thức. Ông nhận xét: "Nếu không có trao đổi ngoại tệ, cả nền kinh tế sẽ dừng lại ngay lập tức".
Thùy Linh (theo Reuters)