Theo số liệu của CIA World Factbook (Mỹ), Triều Tiên là một trong những quốc gia "chuyên quyền và ít cởi mở" nhất thế giới với rất nhiều "vấn đề mãn tính về kinh tế". Cơ quan này cho biết: "Ngành công nghiệp Triều Tiên bị bỏ bê nhiều năm nay. Chi phí quân sự lớn đã rút cạn tài nguyên cần thiết cho đầu tư và tiêu dùng của người dân".
CIA World Factbook ước tính GDP bình quân tại Triều Tiên năm 2011 là 1.800 USD một năm với tăng trưởng 0,8%. Tuy nhiên, Liên hợp quốc (UN) lại cho rằng con số này chỉ là 506 USD và tăng trưởng -0,1%. Trái lại, thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc năm 2012 là 32.400 USD với tăng trưởng 2%.
* Kinh tế Nam Bắc Triều hai miền đối lập
Các ngành công nghiệp chủ lực tại Triều Tiên, theo CIA World Factbook, là thiết bị quân sự, máy móc, điện, hóa chất, khai mỏ, luyện kim, dệt may, chế biến thực phẩm và du lịch. Nước này chủ yếu xuất khẩu kim loại, sản phẩm luyện kim, vũ khí, dệt may, nông nghiệp và ngư nghiệp; và nhập khẩu dầu mỏ, than đá, máy móc, thiết bị, ngũ cốc. Công nghiệp chiếm một nửa GDP cả nước, theo sau là dịch vụ và nông nghiệp.
Một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Bình Nhưỡng với trạm xe điện công cộng. Ảnh: Sohu |
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết thương mại liên Triều năm 2011 đạt 1,7 tỷ USD. Viện trợ nhân đạo của họ cho Triều Tiên là khoảng 17,4 triệu USD. Trung Quốc mua 67,2% sản phẩm dịch vụ xuất khẩu và đóng góp 61,6% vào kim ngạch nhập khẩu của Triều Tiên.
>>Ảnh: Cuộc sống của người dân Triều Tiên |
Giáo sư Jim Hoare là giảng viên Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi thuộc Đại học London (Anh). Ông là người thành lập Đại sứ quán đầu tiên của Anh tại Triều Tiên năm 2011. Theo Hoare, đầu thập kỷ trước, Hàn Quốc là bạn hàng chính của Triều Tiên.
Quan hệ hai nước ngày càng giảm sút khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lên nắm quyền. Trung Quốc dần trở thành đối tác thương mại lớn nhất tại đây. Hoare nói: "Hàng Trung Quốc được bày bán khắp nơi. Họ cung cấp dầu mỏ, lương thực và mọi thứ từ xe bus đến bồn vệ sinh".
Năm 2011, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước tính khoảng một phần tư dân số Triều Tiên (6 triệu người) không có đủ lương thực để ăn. Gần một triệu trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi. Theo UNICEF, thức ăn ở đây rất hạn chế và Triều Tiên "dễ khủng hoảng lương thực do bị cô lập và thời tiết thay đổi". Hoare cũng nhận xét phần lớn người dân sống nhờ ngũ cốc và rau. Thịt, cá rất hiếm trong khẩu phần ăn của họ.
Tháng 3/2012, Bình Nhưỡng từng đồng ý ngừng một phần chương trình hạt nhân - tên lửa và cho phép các thanh tra quốc tế quay lại để đổi lấy 240.000 tấn lương thực từ Mỹ. Tuy nhiên, cùng tháng đó, họ lại tuyên bố thử tên lửa, và thỏa thuận viện trợ chấm dứt.
Hoare nhận xét chất lượng sống của người dân Bình Nhưỡng tương đối khác biệt so với các tỉnh trong cả nước. "Bình Nhưỡng là thành phố của dân thượng lưu. Rất nhiều người trong số đó có tiền. Các nhà hàng thì đầy người Hàn Quốc và quan chức Triều Tiên", ông nói.
Trước đây, kinh tế Triều Tiên chủ yếu dựa vào công nghiệp nặng. Và cho đến giữa thập niên 70, họ vẫn là một trong hai quốc gia công nghiệp chính tại châu Á, cùng với Nhật Bản, Hoare cho biết. Thêm vào đó, dù không phải thành viên chính thức, Triều Tiên vẫn hưởng lợi từ Hội đồng tương trợ kinh tế của Liên Xô.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô cùng hàng loạt thảm họa thiên nhiên đã khiến nền công nghiệp nước này trượt dốc từ thập niên 80. Đỉnh điểm là thập niên 90, khiến cả nền kinh tế gần như "sụp đổ". Triều Tiên còn thiếu dầu mỏ trầm trọng. "Họ từng nhập dầu từ Liên Xô, nhưng giờ lại không thể nữa", Hoare nói. Nông nghiệp cũng ngày càng sa sút vì quá phụ thuộc vào phân bón, khiến đất đai biến chất.
Triều Tiên từng cung cấp thực phẩm cho người dân. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ, họ trở nên trắng tay và bắt đầu trao đổi để lấy thức ăn và các vật phẩm cần thiết. Hàng hóa chủ yếu được mua từ Trung Quốc.
Khu công nghiệp Kaesong - nguồn thu ngoại tệ chính của Triều Tiên. Ảnh: AP |
New Focus International cho biết giao dịch chợ đen (jangmadang) "là nguồn thu nhập chính cho phần lớn người dân Triều Tiên". Có thời điểm kinh tế Triều Tiên cải thiện, công nhân còn nhận được tiền lương từ Hệ thống phân phối quốc gia, Hoare nói.
Tiền tệ chính thức tại đây là đồng won Triều Tiên. Tuy nhiên, Jang Jin Sung - tổng biên tập New Focus International cho biết mọi thứ ở đây đều được neo với USD, kể cả giao dịch ở chợ đen. Đồng won chẳng có tác dụng mấy vì tất cả đều sử dụng USD. Bình Nhưỡng từng muốn định giá lại tiền tệ, nhưng vì đôla Mỹ quá phổ biến, giá trị đồng won lại ngày càng tuột dốc.
Khu công nghiệp chung Kaesong - biểu tượng cuối cùng của sự hợp tác Hàn - Triều là nguồn thu ngoại tệ quan trọng với Triều Tiên. Hơn 50.000 công nhân nước này tại đây tạo ra hàng trăm triệu USD hàng hóa mỗi năm. Họ được trả lương 134 USD mỗi tháng. Trong đó, 45% dùng để nộp các loại thuế. Dù vậy, hôm qua (8/4), Triều Tiên tuyên bố rút toàn bộ công nhân và đình chỉ tất cả hoạt động thương mại tại đây khi căng thẳng liên Triều đang leo thang.
Thùy Linh (theo CNN)