Trang Al-Masirah của phiến quân Houthi hôm 16/2 công bố video lực lượng này bắn rơi cường kích Tornado IDS của Arab Saudi trên bầu trời tỉnh Al-Jawf, miền bắc Yemen.
Trong video, phi công Arab Saudi liên tục thả mồi bẫy nhiệt để đánh lừa tên lửa, nhưng không thành công khi quả đạn vẫn lao thẳng vào máy bay. Một số chuyên gia cho rằng điều đó thể hiện tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường radar hoặc điều khiển vô tuyến, khiến mồi bẫy nhiệt vô tác dụng.
Lực lượng Houthi không cho biết loại vũ khí được sử dụng để bắn hạ cường kích Arab Saudi, nhưng giới chuyên gia nhận định nhóm phiến quân Yemen này sở hữu nhiều tên lửa phòng không tầm trung đủ sức đe dọa máy bay có người lái của liên quân do Riyadh dẫn đầu.
Theo chuyên gia hàng không David Cenciotti, nổi bật nhất trong dàn vũ khí phòng không của phiến quân Houthi là tên lửa Fater-1 do nhóm này tự chế tạo, có vẻ ngoài giống hệt tổ hợp 2S12 Kub được Liên Xô ra mắt từ thập niên 1960.
Fater-1 ra mắt lần đầu hồi cuối tháng 8/2019 nhưng đã được sử dụng từ giữa năm 2017, nhiều khả năng là bản sao dựa trên các hệ thống Kub trong biên chế quân đội Yemen từ trước khi nổ ra xung đột năm 2015. Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết một máy bay không người lái (UAV) MQ-9 bị loại tên lửa này bắn hạ hôm 6/6/2019.
Khẩu đội Kub gồm một xe radar cảnh giới kiêm điều khiển hỏa lực 1S91 có khả năng dẫn bắn hai tên lửa cùng lúc tới một mục tiêu, 4 xe phóng đạn được lắp sẵn 12 tên lửa và 4 xe nạp đạn.
Quả đạn 3M9 của Kub có tầm bắn tối đa 24 km và bắn hạ được mục tiêu ở độ cao 14 km, sử dụng cơ cấu dẫn đường vô tuyến và radar bán chủ động khi tiếp cận mục tiêu. Tên lửa nặng 600 kg, trong đó đầu đạn nổ mảnh nặng 56 kg và đạt tốc độ tối đa 3.500 km/h. Quả đạn mang ngòi nổ chạm và cận đích, cho phép diệt mục tiêu mà không cần va chạm trực tiếp.
Phiến quân Houthi cũng sở hữu các biến thể của tên lửa phòng không tầm trung Sayyad do Iran phát triển và chuyển giao, gồm mẫu Sayyad-1 và Sayyad-2C.
Sayyad-1 được Iran nghiên cứu chế tạo sau khi đặt mua hệ thống HQ-2, vốn là bản sao dòng S-75 Liên Xô do Trung Quốc sản xuất. Tên lửa dùng thiết kế khung thân và động cơ của mẫu HQ-2, nhưng trang bị đầu dẫn cùng thiết bị điều khiển dựa trên tổ hợp MIM-23 Hawk và RIM-66 SM-1 được Iran mua từ Mỹ trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Tên lửa Syyad-1 có thể đạt tốc độ khoảng 3.600 km/h, tầm bắn 50 km và mang đầu nổ mảnh nặng 200 kg.
Lực lượng Houthi dường như cũng có biến thể Sayyad-2C hiện đại hơn nhiều, Cenciotti cho hay. Iran không công khai nhiều thông tin về loại tên lửa này, nhưng nó sử dụng cụm bệ phóng kiêm ống bảo quản hình vuông, mỗi cụm mang được 4 quả đạn tương tự hệ thống MIM-104 Patriot của Mỹ.
Quân đội Iran tuyên bố tên lửa Sayyad-2C có thể kết hợp với tổ hợp phòng không tầm xa S-200 để tăng khả năng bảo vệ không phận.
Tên lửa Sayyad-2C có tầm bắn khoảng 75 km, ngắn nhất trong các phiên bản được Iran sản xuất. Nó đạt tốc độ tối đa trên 5.500 km/h, trang bị hệ thống chống gây nhiễu và mang đầu nổ mảnh nặng 200 kg. Tehran cho biết Sayyad-2C có thể diệt các mục tiêu với độ phản xạ radar rất thấp như UAV ở độ cao tới 24 km.
Người phát ngôn liên quân Arab Saudi Turki al-Maliki hồi cuối năm 2017 cho biết phiến quân Houthi đã cải tiến tên lửa không đối không R-27 và R-73, vốn dùng cho tiêm kích, thành vũ khí phòng không lợi hại.
Houthi chiếm được số tên lửa này từ kho vũ khí của không quân Yemen khi nổ ra cuộc chính biến hồi năm 2015. Vào thời điểm đó, không quân Yemen đang vận hành tiêm kích MiG-29 với vũ khí chủ lực là tên lửa đối không tầm trung R-27 và tầm ngắn R-73. Quả đạn R-27 có tầm bắn lên đến 70 km, trong khi R-73 đủ sức diệt mục tiêu từ khoảng cách 30 km.
Tên lửa R-27T và R-73 được trang bị đầu dò hồng ngoại, giúp bám bắt mục tiêu mà không cần radar dẫn đường. Chúng cũng không đánh động mục tiêu trong quá trình tiếp cận, nhưng có thể bị đánh lừa bởi mồi bẫy nhiệt trên phi cơ.
Các quả đạn này được lắp lên bệ phóng trên xe tải, cho phép tăng khả năng cơ động. Đầu dò tên lửa sử dụng nguồn điện từ máy phát riêng, bởi pin tích hợp trong quả đạn chỉ hoạt động được vài phút từ khi kích hoạt, không phù hợp với nhiệm vụ tác chiến của tên lửa phòng không.
Tuy nhiên, phiến quân Houthi không thể duy trì tầm bắn nguyên gốc cho tên lửa hoán cải. Khi được phóng từ mặt đất, quả đạn gặp sức cản lớn và không có sơ tốc cao như phóng từ máy bay, khiến tầm bắn của chúng bị giảm khoảng một nửa.
Liên quân Arab cho biết tên lửa của Houthi đã bắn rơi ít nhất một chiếc MQ-9 Reaper. Loại vũ khí này cũng được dùng để tấn công tiêm kích F-16 của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và máy bay F-15 của Arab Saudi, khiến chúng bị hư hại.
Phiến quân Yemen cũng được trang bị nhiều loại tên lửa phòng không vác vai, nhưng chúng có tầm bắn khá giới hạn và chỉ đủ sức đe dọa trực thăng hoặc UAV bay thấp, khó lòng bắn hạ những tiêm kích và cường kích hoạt động ở độ cao trên 5 km.
Vũ Anh (Theo Aviationist)