Mẹ sinh con sớm, trẻ khỏe mạnh hơn
Độ tuổi có ảnh hưởng lớn đến khả năng làm mẹ, sức khỏe thai kỳ. Theo các bác sĩ sản khoa, độ tuổi phù hợp nhất để làm mẹ là 20-30 tuổi do buồng trứng hoạt động tốt, tỷ lệ cho ra nang trứng tốt cũng cao. Sinh con ở độ tuổi này có thể giảm khả năng bị vô sinh về sau, giảm tỷ lệ dị tật thai nhi và trẻ cũng khỏe mạnh hơn.
Nghiên cứu cho thấy nếu người mẹ tuổi 25 sinh con thì khả năng trẻ mắc bệnh Down chỉ 1/1.250 ca. Tỷ lệ này tăng lên 1/952 khi vào tuổi 30, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi tỷ lệ 1/30. Do đó, Chính phủ vừa có chính sách khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con.
Phụ nữ càng lớn tuổi càng khó sinh do số lượng, chất lượng trứng đều giảm. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ, phụ nữ khỏe mạnh đang tuổi sinh sản có 20% khả năng thụ thai ở bất kỳ chu kỳ kinh nguyệt nào. Tỷ lệ này sẽ nhanh giảm sút sau tuổi 30, nhất là vào tuổi 37.
Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi có nguy cơ bị biến chứng cao, đối mặt với nhiều rủi ro như sẩy thai, sinh non, thai chết lưu, chậm phát triển, tiểu đường thai kỳ, dị tật bẩm sinh...
Theo thông tin từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, chiếm 1,5-2% trẻ mới sinh. Trong đó, trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh khoảng hơn 1.700. Những dị tật nghiêm trọng nhất thường liên quan đến bất thường về số lượng nhiễm sắc thể.
Chú ý thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh sớm để bảo vệ thai nhi
Theo quy luật tự nhiên, phụ nữ cũng có độ tuổi sinh sản thuận lợi và ít thuận lợi hơn, dù vậy việc có được đứa con khỏe mạnh còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, môi trường, lối sống...
Chị em từ 30 trở đi vẫn có khả năng mang thai khỏe mạnh bằng cách chú ý chăm sóc sức khỏe, tập luyện thể thao, chủ động thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát thai kỳ, nhất là chọn lựa các xét nghiệm sàng lọc trước sinh tiên tiến. Điều này giúp mẹ bầu phát hiện sớm bệnh lý ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh (nếu có) để sớm điều trị cho trẻ, phòng tránh hậu quả về thể chất, trí tuệ sau này. Tiến bộ trong xét nghiệm y học giúp phụ nữ sinh con muộn an tâm hơn vì luôn giành quyền chủ động trong việc quản lý và chăm sóc thai kỳ.
Hiện nay, nhiều thai phụ ở các quốc gia thường chọn thực hiện xét nghiệm tầm soát các dị tật bẩm sinh do di truyền, phổ biến bằng phương pháp NIPT (Non-Invasive Prenatal Testing). NIPT là xét nghiệm gen sàng lọc trước sinh không xâm lấn tiên tiến trên thế giới có thể phát hiện nguy cơ thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh di truyền do bất thường về số lượng nhiễm sắc thể với độ chính xác cao.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) chia sẻ, xét nghiệm sàng lọc trước sinh do không xâm lấn nên an toàn. Xét nghiệm có độ chính xác khá cao và hiệu quả để sàng lọc tiền sản nhờ vào kỹ thuật tiên tiến nhất phân tích được DNA của nhau thai trong máu mẹ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
NIPT được nhiều hiệp hội chuyên môn quốc tế có uy tín như Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG), Hiệp hội Chẩn đoán tiền sinh quốc tế (ISPD) và Hiệp hội Hệ Gen Y học Mỹ (ACMG) thực hiện cho thai phụ.
Theo nghị định 1807/QĐ-BYT của Bộ Y tế Việt Nam ban hành vào tháng 4/2020, xét nghiệm NIPT cũng được đưa vào lĩnh vực sàng lọc trước sinh như một kỹ thuật chuyên môn để sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể thai nhi và có thể thay thế hoặc bổ sung xét nghiệm sàng lọc bằng sinh hóa tùy theo trường hợp cụ thể.
Theo đại diện Viện Di truyền Y Học, xét nghiệm NIPT không mới trên thế giới nhưng khá xa lạ với người Việt. Trước đây, phụ nữ Việt muốn làm xét nghiệm NIPT phải gửi mẫu xét nghiệm ra nước ngoài nên khá khó khăn, mất thời gian hơn nữa chi phí lại cao. Với các xét nghiệm NIPT thực hiện tại nước ngoài, bệnh phẩm của thai phụ Việt sẽ được gửi đến quốc gia tương ứng. Kết quả sẽ dựa trên tham chiếu là bộ gen của cư dân tại quốc gia đó.
Với mong muốn đem lại một giải pháp gen cho thai phụ Việt, đội ngũ nghiên cứu của Viện Di truyền Y học (MGI) với nhiều bác sĩ sản khoa, di truyền học nhiều kinh nghiệm đã phát triển quy trình NIPT tại Việt Nam với tên gọi NIPT - triSure. Viện Di truyền Y học còn phối hợp Công ty Cổ Phần Giải Pháp Gene (Gene Solutions - GS) vừa cải tiến xét nghiệm giúp mở rộng phạm vi và nâng cao giá trị xét nghiệm trên cơ sở dữ liệu của hàng chục nghìn thai phụ Việt.
Thai phụ có thể thực hiện xét nghiệm này ở tuần thai thứ 9 và chỉ cần lấy máu một lần. Với xét nghiệm triSure, chị em đỡ tốn kém chi phí, tiết kiệm thời gian. Xét nghiệm không xâm lấn nên an toàn cho thai nhi, có độ chính xác cao, đại diện Viện Di truyền Y học chia sẻ thêm.
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Việt Nam số 1, tháng 4, năm 2020 "Xác định giá trị tiên đoán dương của xét nghiệm tiền sinh không xâm lấn NIPT - triSure", xét nghiệm có giá trị tiên đoán cho lệch bội nhiễm sắc thể T21, T18, T13 (hội chứng Down, Edwards, Patau) là 94,3%. Nghiên cứu được thực hiện tại Viện Di truyền Y học trong 2 năm 2017-2019 trên 27.500 thai phụ có độ tuổi trên 35.
Xét nghiệm tại MGI-GS còn mang lại nhiều giá trị cho chị em phụ nữ mang thai, bao gồm kết hợp sàng lọc bất thường số lượng nhiễm sắc thể cùng với sàng lọc 5 bệnh thể ẩn phổ biến ở người châu Á (trong đó có bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia cả 2 thể alpha và beta) và hoàn phí kết quả siêu âm khảo sát hình thái học. Chọn phương pháp xét nghiệm hiện đại, mẹ bầu sẽ có được nhiều lợi ích, an toàn và an tâm hơn trong thai kỳ.
Ngọc An