Trong nhiều năm, nhân loại đã quen với cuộc khủng hoảng gia tăng dân số. Quay lại năm 1969, Paul và Anne Ehrlich, hai nhà sinh vật học Đại học Stanford đã nổi tiếng sau khi dự đoán chính xác rằng hàng triệu người sẽ chết đói trong cuốn sách Quả bom Dân số. Thời điểm đó, thế giới đang ở đỉnh cao của sự gia tăng dân số với tốc độ 2,1% một năm. Từ đó tới nay, dân số toàn cầu đã tăng từ 3,5 tỷ lên 7,67 tỷ.
Nhưng tăng trưởng đã chậm lại đáng kể, khi phụ nữ được trao quyền nhiều hơn, cải thiện khả năng tiếp cận biện pháp tránh thai. Tỷ lệ sinh tại nhiều quốc gia bắt đầu chững lại, thậm chí suy thoái, khi mỗi phụ nữ sinh chưa tới 2,1 con - mức tối thiểu để duy trì dân số ổn định.
Tỷ lệ sinh giảm từ lâu đã là vấn đề khó giải quyết ở một số quốc gia giàu nhất thế giới, đặc biệt là Nhật Bản và Đức. Ở Hàn Quốc năm ngoái, tỷ lệ sinh giảm xuống 0,84 con trên một phụ nữ, mức thấp kỷ lục, bất chấp nhiều chính sách khuyến khích sinh đẻ chính phủ đưa ra.
Tỷ lệ sinh cũng đang giảm đáng kể tại Anh và Xứ Wales, từ 1,9 trẻ em/một phụ nữ năm 2012 xuống còn 1,65 năm 2019. Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy năm 2020, tỷ lệ này có thể là là 1,6 và đây sẽ là tỷ lệ thấp nhất từ trước Thế Chiến II. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn ở Scotland, nơi giảm từ 1,67 năm 2012 xuống 1,37 năm 2019.
Tỷ lệ sinh đẻ tại các quốc gia có thu nhập trung bình cũng giảm, bao gồm Thái Lan và Brazil. Ở Iran, khi tỷ lệ sinh còn 1,7 trẻ em/một phụ nữ, chính quyền cảnh báo các bệnh viện nhà nước sẽ không cung cấp các biện pháp tránh thai hoặc dịch vụ thắt ống dẫn tinh nữa.
Do xu hướng giảm sinh toàn cầu này, Liên Hợp Quốc dự đoán loài người sẽ chấm dứt sự gia tăng dân số tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua, trước khi bắt đầu xu hướng giảm.
Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet năm ngoái dự đoán dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh sớm hơn nhiều so với dự kiến, là 9,73 tỷ người năm 2064 trước khi giảm xuống 8,79 tỷ năm 2100. Tỷ lệ sinh giảm có khả năng gây "hậu quả kinh tế, xã hội, môi trường và địa chính trị" khắp thế giới.
Các tác giả dự đoán 23 quốc gia sẽ suy giảm hơn một nửa dân số trước nửa cuối thế kỷ này, bao gồm Tây Ban Nha, Italy, Ukraine và Trung Quốc, nơi chính sách một con gây tranh cãi mới chấm dứt năm 2016 và dự đoán dân số sẽ giảm mạnh 48% vào năm 2100.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)