Đó là khi người chủ của nó đã cận kề ngày lìa bỏ thế giới và không có một ai để kế thừa. Ông buộc phải đóng cửa tâm huyết của cuộc đời mình lại. Tôi đã thăm một xưởng mộc như thế, ở Vũ Thư, Thái Bình. Ông chủ xưởng mộc, một người đã 65 tuổi, quyết định đóng cửa sau khi không thể tìm được người nối dõi cho nghề gia truyền. Giống như hầu hết thanh niên trong làng, những đứa con ông đều đã lên thành phố làm việc. Không đứa nào chịu ở lại, cả làng toàn người già, ông nói.
Tỉnh Thái Bình, một trong những tỉnh nổi tiếng về di dân, có số người trên 60 tuổi chiếm đến 18% dân số. Hơn 90% trong số đó sống ở nông thôn, như vợ chồng người thợ mộc.
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp câu chuyện của ông tại bất kỳ làng quê nào ở Bắc bộ, duyên hải miền Trung, hay miền Tây Nam bộ. Có những ngôi làng nổi tiếng trên báo chí vì chỉ còn người già và trẻ em, còn “người lớn” biệt xứ làm ăn, một năm chỉ trở về vào dịp Tết. Họ sống trong những ngôi nhà mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “khuyết thế hệ” - nơi cấu trúc gia đình mất đi mảnh ghép ở giữa, để lại hai đoạn đầu và cuối cuộc đời quanh quẩn với nhau.
Nhưng dẫu sao, những gia đình “khuyết thế hệ” vẫn có thể coi là may mắn với người già, bởi theo số liệu từ Tổng điều tra Dân số giữa kỳ của Tổng cục Thống kê, có đến 16,4% người trên 80 tuổi đang phải sống một mình. Con số này sẽ đáng sợ hơn nếu biết rằng 1/3 trong số họ có “điều kiện sống thấp”.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), với phương án trung bình, số phần trăm của nhóm dân số 65 tuổi trở lên tăng từ 7,1% năm 2014 lên 18,1% năm 2049. Tỷ số dân số phụ thuộc là người già của Việt Nam đã cao thứ ba trong nhóm nước ASEAN, khoảng 10% vào năm 2015 và dự kiến tăng gấp đôi trong vòng 20 năm nữa.
Thông điệp quan trọng nhất đọng lại sau tất cả những con số phức tạp trên, là Việt Nam đã bắt đầu già, thậm chí già rất nhanh. Sẽ có nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Lao động Thương Binh Xã hội rằng Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Và không lâu nữa, chúng ta sẽ không thể tự hào quảng bá là quốc gia có dân số trẻ và lực lượng lao động dồi dào. Chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho tuổi già.
Với những gì đang có, sự sẵn sàng của hệ thống là đáng lo ngại. Ngay hiện tại, số người già được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp chỉ chiếm 30%, tức phần đông còn lại, như những cụ già ở những ngôi làng không có thanh niên nói trên, phải nhờ cậy vào con cháu hoặc tự bươn chải kiếm sống.
Hệ thống bảo hiểm xã hội, công cụ được coi là tấm lưới bảo vệ cuối cùng cho người cao tuổi, luôn trong tình trạng căng như dây đàn thời gian qua. Bộ Lao động còn cho rằng đến năm 2034, lúc chúng ta chính thức “già”, quỹ BHXH sẽ không đủ chi trả nếu không có nguồn đóng góp của ngân sách nhà nước.
Tình trạng thất nghiệp đáng báo động của “lao động tuổi 35”, những công nhân nhà máy bị đào thải ra khỏi các khu công nghiệp, sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Họ sẽ phải tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức với thu nhập thấp hơn, trong khi gánh nặng “trẻ cậy cha, già cậy con” từ gia đình tăng lên.
Có nhiều giải pháp từng được khuyến nghị. Trong báo cáo về “Già hóa dân số” tại Việt Nam năm 2017 của Quỹ dân số LHQ (UNFPA), nêu ra khá nhiều biện pháp. Trong đó, có cải cách hệ thống bảo hiểm, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người già, hay là tạo điều kiện phù hợp cho người già tiếp tục tham gia vào hệ thống kinh tế...
Trong lĩnh vực này, chúng ta có thể học hỏi từ một quốc gia vốn rất nổi tiếng bởi già hoá: Nhật Bản. Đây là quốc gia hiện có tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 25% dân số, và đang trên đường tiến đến mốc 40%. Nhật Bản đã chuẩn bị cho tuổi già từ lâu, và vào năm 2000 đã cho ra đời hệ thống bảo hiểm dài hạn cho người già, giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho họ và gia đình. Cùng với đó, những chương trình gắn kết người già ở địa phương, như tham gia các chương trình tình nguyện, hoặc thậm chí là làm các công việc phù hợp với sức khoẻ, giúp họ gắn kết hơn vào đời sống xã hội.
Làm được điều đó, nói như một chuyên gia về già hoá của Việt Nam, chúng ta sẽ tận dụng được “Dư lợi dân số lần thứ hai”, thu hút nguồn lực của người cao tuổi để phát triển kinh tế - xã hội sau thời kì “dân số vàng”.
Nhưng quan trọng nhất, trong số các khuyến nghị của UNFPA, là việc phải nhận thức được rằng xã hội chúng ta đang già; phải có nghiên cứu và cơ sở dữ liệu về người già. Nếu không, sẽ chẳng có thay đổi nào.
Trong một bộ phim Việt Nam mà tôi xem đã lâu, có hình ảnh một cụ già tự xây ngôi mộ rất đẹp bằng bê tông cho mình. Cụ thích nó lắm, những lúc đi chăn trâu thường nằm nghỉ trong ngôi mộ nhìn lên trời xanh, tưởng tượng đến lúc mình lìa đời thật thì sẽ thấy thoải mái ra sao.
Tuổi già, và cả cái chết, là điều không ai muốn, nhưng là những thứ tất yếu phải đến. Để quá trình đó diễn ra với ít ảnh hưởng tiêu cực nhất, hay nói như các nhà nghiên cứu là “già hoá thành công”, sự chuẩn bị phải bắt đầu từ hôm nay. Mỗi người có những lựa chọn riêng, như cụ già trong phim nói trên. Nhưng một quốc gia thì không thể chuẩn bị cho tương lai theo cách đó.
Khắc Giang