Đàn rùa bao gồm 12 con rùa cái và 3 con rùa đực, dành phần lớn thời gian giao phối để cứu cả loài khỏi tuyệt chủng. Giờ đây, chúng đang chậm rãi thích nghi với cuộc sống trên đảo Española thuộc quần đảo Galapagos, hòa lẫn với 2.300 con cháu ra đời từ chương trình nhân giống. Đại diện Ban lãnh đạo Vườn quốc gia Galapagos và Khu bảo tồn Galapagos Conservancy đưa 15 con rùa trở lại hòn đảo quê hương của chúng hôm 15/6. Mỗi con rùa đều đeo thiết bị định vị vệ tinh GPS để các nhà nghiên cứu có thể theo dõi chúng di chuyển mỗi ngày. Rùa cái có cân nặng trung bình 35 kg trong khi rùa đực nặng gần 54 kg.
Washington Tapia, giám đốc chương trình Sáng kiến khôi phục rùa khổng lồ của Khu bảo tồn Galapagos theo dõi vị trí của đàn rùa từ khi chúng quay trở lại tự nhiên. "Thật thú vị khi tất cả chúng đều ở cùng một chỗ. Hai con rùa cái di chuyển trong bán kính khoảng 1,6 km từ nơi ở ban đầu", Tapia nói.
Theo Tapia, những con rùa thường di chuyển khi chúng cần tìm thức ăn. Do các chuyên gia bảo tồn thả chúng ở nơi có nguồn thức ăn dồi dào là cây xương rồng Opuntia, chúng không cần di chuyển trong suốt gần một tháng. Tapia chia sẻ, anh rất quan tâm tới cách rùa đực tương tác với những con đực trẻ hơn khi chúng tái hòa nhập với hòn đảo sau hàng thế kỷ. Một con rùa khổng lồ trong nhóm tên Diego đóng góp khoảng 40% số con non cho hòn đảo. Nó được thả về đảo gần 80 năm sau khi rời đi.
Trong 55 năm tiến hành chương trình nhân giống trên đảo Santa Cruz, những con rùa non được chuyển tới Española khi đến 5 tuổi. Nhiều năm qua, chương trình nhân giống đã đưa 1.900 con rùa về tự nhiên. Hiện nay, có hơn 2.300 con rùa sinh sản tự nhiên trên đảo. Đợt vận chuyển rùa khổng lồ cuối cùng diễn ra vào giữa tháng 6 thay vì tháng 3/2020 như dự tính. Chuyến đi bị trì hoãn hơn 3 tháng do đại dịch. Trước hành trình, đàn rùa phải trải qua hai tháng cách ly nhưng không phải do nCoV. Thức ăn của chúng để lại hạt giống ở hệ tiêu hóa. Việc cách ly giúp ngăn cây ngoại lai mọc trên đảo.
Sau khi hết thời gian cách ly, Tapia dẫn đầu nhóm chuyên gia đưa đàn rùa trở về quê nhà. Chúng trở về vào cuối mùa mưa. Khi mùa khô bắt đầu, những con rùa sẽ khó tìm thức ăn hơn. Nếu không trở về vào tháng 6/2020, chúng sẽ phải đợi thêm một năm nữa.
Trong 6 tháng, các nhà bảo tồn sẽ ghé thăm Española để xem đàn rùa thích nghi tốt tới mức nào. Ngoài thiết bị GPS, nhóm nghiên cứu còn lắp 40 camera kích hoạt nhờ chuyển động quanh đảo. Khác với dữ liệu GPS, họ không thể tiếp cận các camera trừ khi lên đảo. Được thành lập vào giữa những năm 1960, chương trình nhân giống Española là một trong những chương trình sinh sản nuôi nhốt thành công nhất thế giới.
An Khang (Theo CNN)