Pháo binh Triều Tiên tập trận bắn đạn thật
Tuy có quân số thường trực hơn 1 triệu người, binh sĩ Triều Tiên không có được vũ khí trang bị và huấn luyện đầy đủ như Mỹ hay Hàn Quốc. Lực lượng tăng thiết giáp nước này cũng khó có cơ hội giành thế chủ động trước đối phương. Nhưng pháo binh Triều Tiên được Mỹ đánh giá là lực lượng lớn nhất thế giới, cũng là mối đe dọa lớn trong bất kỳ xung đột quân sự nào trong khu vực, theo Business Insider.
Chỉ cách khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) khoảng 40 km, thủ đô Seoul của Hàn Quốc là mục tiêu lý tưởng cho những cuộc pháo kích từ Triều Tiên. Vì vậy, pháo binh Triều Tiên được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, sở hữu tới 21.100 hệ thống pháo mặt đất. Chuyên gia quân sự Victor Cha và David Kang cho rằng với số pháo hùng hậu này, Triều Tiên đủ sức bắn nửa triệu quả đạn vào Seoul chỉ trong một giờ.
Nổi bật trong số các loại pháo Bình Nhưỡng đang biên chế là M1978 Koksan. M1978 có tầm bắn lên đến 40 km với đạn thông thường hoặc 60 km với đạn tăng tầm. Loại pháo này vượt xa pháo tự hành K9 Thunder hiện đại nhất của Hàn Quốc về cả tầm bắn lẫn sức công phá.
K9 được tích hợp công nghệ tự động hóa và điều khiển bằng máy tính, nhưng điều này có thể bị áp đảo bởi tầm bắn của pháo Triều Tiên. Bên cạnh đó, M1978 đã trải qua nhiều lần tác chiến thực tế. Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, lực lượng pháo M1978 của Iraq đã đánh phá các giếng dầu của Kuwait từ khoảng cách hàng chục km.

Pháo phản lực Triều Tiên tập trận. Ảnh: Chaplain News.
Ngoài M1978 Koksan, Triều Tiên còn biên chế nhiều loại pháo khác, trong đó có hàng nghìn khẩu đội pháo xe kéo và pháo tự hành với cỡ nòng từ 120 mm đến 152 mm. Tất cả đều được ngụy trang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu tốt, rất khó bị đối phương phát hiện.
Yếu tố đáng sợ nhất của pháo binh Triều Tiên nằm ở hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS). Lực lượng này có khả năng phóng hàng nghìn quả đạn trong thời gian rất ngắn. Bình Nhưỡng tự phát triển nhiều pháo phản lực phóng loạt với cỡ nòng từ 107 mm đến 300 mm, tầm bắn xa và sức công phá mạnh hơn pháo xe kéo thông thường
Tuy không có độ chính xác cao như pháo thông thường, MLRS rất lợi hại khi tấn công mục tiêu trên diện rộng, gây sốc cho đối phương. Đây được đánh giá là vũ khí được triển khai đầu tiên nếu có chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Không chỉ sở hữu vũ khí uy lực, pháo binh Triều Tiên đã thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, thông qua nhiều cuộc tập trận, cũng như đụng độ giữa hai miền, chẳng hạn như trận đấu pháo tại đảo Yeonpyeong năm 2010.
Trong sự kiện này, pháo phản lực Triều Tiên đã bắn phá các vị trí quân đội Hàn Quốc bằng 108 quả đạn, trong khi 6 khẩu pháo K9 Hàn Quốc không thể bắn trả hiệu quả. Hai khẩu K9 bị loại khỏi vòng chiến, một khẩu bị tắc đạn, chỉ có ba khẩu khai hỏa được 80 quả đạn về phía Triều Tiên.

Tương quan lực lượng quân sự Triều Tiên và Mỹ-Hàn. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.
Lã Linh