Tôi thấy vụ việc người đàn ông tát phụ nữ đang chở con nhỏ ngay ngày mùng một Tết có rất nhiều điều cần nói, cần bàn chứ không đơn giản là mời làm việc và xin lỗi.
Trước hết, có thể thấy: Chưa bao giờ ra đường lại ngán ngại như thời đại ngày nay. Tội phạm cướp giật manh động nhiều nơi, thậm chí có nhiều hàng nóng, vũ khí nguy hiểm nhằm triệt tiêu hoàn toàn khả năng kháng cự của nạn nhân. Mới đây, ngày 7/2 đã xảy ra vụ cướp táo tợn tới 2,2 tỷ đồng ở trạm thu phí Dầu Giây là một ví dụ điển hình. Từ đó, gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng của người tham gia giao thông và người làm công việc liên quan đến giao thông. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều nhức nhối khác trong vấn đề an toàn và văn hoá giao thông. Đơn cử:
1. "Đại nạn" diễn ra hàng giờ hàng ngày chính là lấn chiếm vỉa hè ngang nhiên: Tuy nhiên, lạ là mãi không dẹp được hoặc không muốn dẹp, không chịu dẹp. Điều này chí ít đã làm gây ức chế tâm lý cho người đi bộ, xa hơn nữa là gây nguy hiểm cho họ, bởi phải đi xuống lòng đường khi vỉa hè bị chiếm gần như toàn bộ, tới mức không thể lách qua.
2. Nạn leo lề đường, lấn vạch khi dừng đèn đỏ: Cho dù lượng phương tiện đông đúc, nhưng vẫn chưa tới mức tắc đường, nhưng một số người vẫn leo xe lên lề để vượt lên. Hành động này đã trở thành thói quen, họ coi đó như không có điều gì xảy ra từ sự ích kỷ của mình. Họ nhất định phải tiến lên hàng đầu.
Bên cạnh đó là đậu xe lấn vạch, tràn phần đường được phép. Lấn qua phần đường của phương tiện khác đi cùng chiều chưa đủ, họ lấn qua cả làn ngược chiều mới thoả mãn. Không những thế họ còn sẵn sàng đi ngược chiều, bất chấp tính mạng, sức khoẻ của chính họ.
3. Sẵn sàng động thủ tay chân trong các cuộc va chạm giao thông:
Chúng ta phải đồng ý với nhau rằng trong một cuộc va chạm giao thông bất kỳ thì ít nhất phải có một bên sai, hoặc cả hai bên đều sai, chứ không thể cả hai bên cùng đúng, (trừ một vài yếu tố khách quan hy hữu nhưng nhận biết thấy được một cách lập tức và rõ ràng). Tuy nhiên, sau va chạm là cuộc tranh cãi nãy lửa giữa hai bên để bảo vệ mình đúng. Khi "ngôn ngữ cửa miệng" đuối lý hoặc mất thời gian quá rồi, mỏi miệng quá rồi, họ sẽ chuyển qua "ngôn ngữ hình thể". Vậy là xô xát xảy ra.
Đến với vụ việc "đàn ông tát phụ nữ đi cùng con nhỏ" tại thị xã Long Khánh (Đồng Nai) ngay ngày mùng một tết vừa qua, như chúng ta đã biết. Thông qua từ hình ảnh video ghi lại có thể thấy không chỉ một mà còn rất nhiều hành vi khác cần phải xem xét, xử lý:
- Mở cửa xe bên trái vi phạm quy định an toàn: Từ khi cậu thiếu niên bị té và đứng dậy chạy tiếp về phía xe hơi của nhà mình, người đàn ông ngồi vị trí lái xe đã lập tức mở cửa rất nhanh lao xuống, chạy qua đường để hành hung và không hề đóng cánh cửa xe lại. Song song đó, có một xe gắn máy đi ngược chiều đang tiến đến. Rõ ràng đây là hành vi mở cửa không an toàn bởi thời gian diễn ra quá nhanh, chắc chắn người lái xe không hề quan sát trước khi mở cửa. Điểm đ. khoản 3, điều 18 Luật giao thông đường bộ hiện hành quy định: Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Cũng điều luật này quy định, có thể xử lý hình sự nếu gây ra tai nạn dẫn đến chết người. Trong trường hợp này, chẳng qua tài xế may mắn không gây ra tai nạn giao thông từ hành vi bất cẩn của mình mà thôi.
- Hành hung người bình thường giữa ngày bình thường đã là chuyện xấu đáng lên án, đằng này hành hung phụ nữ, đang chở theo con nhỏ lại ngay mùng một tết, thì rõ ràng đã "vi phạm hàng loạt tình tiết tăng nặng", cần bị xã hội lên án mạnh mẽ hơn nữa để làm gương.
- Ban đầu, cơ quan chức năng sở tại tìm ra "hung thủ" và đã mời đến làm việc, nhưng người này tắt máy, không trình diện. Nếu không có video, nếu không có sức ép ghê gớm từ dư luận, chắc chắn người này sẽ coi chuyện đó là bình thường. Nếu không bị phát hiện, cơ quan chức năng không mời đến làm việc và không có sự phản ứng khủng khiếp từ cộng đồng, thì người này có biết lỗi của mình không?
- Người phụ nữ là nạn nhân có quá dễ dãi khi cho qua vụ việc này một cách đơn giản như vậy? "Tác giả của cái tát" vẫn không trực tiếp xuất hiện xin lỗi, chỉ có đại diện gia đình đến mà thôi. Tại sao chị lại dễ dàng thoả hiệp đến vậy? Đây là một điều rất không có lợi cho cộng đồng về sau.
Hành vi lấy nắm đấm để giải quyết sau va chạm giao thông là hành vi côn đồ. Cần phải làm tới cùng để đẩy lùi vấn nạn vô văn hoá này.
Tôi tin tưởng tính thiện con người sẽ trỗi dậy trong mỗi chúng ta, ngay cả chúng ta có lần từng hành động như thế, hoặc có suy nghĩ tương tự như vậy, thì sau vụ việc này nếu được làm rốt ráo, sẽ có tính răn đe cao, sẽ làm nhiều người phải thay đổi.
>> Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.
Phan Nguyễn