Phát hiện của nhóm nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), đã nhắm đến mối tương quan chưa hề được ghi nhận trước đây, đó là các bệnh liên quan đến stress (như lo lắng, hay trầm cảm) di truyền từ cha sang con.
Cho tới nay, các thay đổi trong cơ thể người mẹ (như chế độ ăn, dùng thuốc, stress kinh niên...) đã được khẳng định là gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh, song ảnh hưởng của người cha tới đứa trẻ vẫn chưa được hiểu rõ.
Nhóm nghiên cứu của Tracy L Bale (một chuyên gia về khoa học thần kinh) đã chỉ ra rằng ở những con chuột đực trưởng thành và chưa trưởng thành, stress đã để lại dấu ấn trên tinh trùng, và từ đó cấu trúc lại vùng não đáp ứng với stress ở lứa con của chúng.
Đáng ngạc nhiên là cả thế hệ con gồm đực và cái của chúng đều phản ứng chậm một cách bất thường với stress. Đó là dấu hiệu cho thấy vùng chức năng trên não dường như không có khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường.
"Lần đầu tiên, chúng tôi chỉ ra được rằng căng thẳng, lo lắng có thể gây những tác hại lâu dài tới tinh trùng, và từ đó làm xáo trộn vùng kiểm soát stress của thế hệ con", chuyên gia Bale cho biết.
Phát hiện này đã cho thấy dường như sự căng thẳng lâu dài từ phía người cha có thể liên quan tới những bệnh tâm lý thần kinh ở thế hệ con, nghiên cứu đăng trên Journal of Neuroscience khẳng định.
T. An (theo post.jagran)