Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ đạo rà soát hoạt động bán bảo hiểm và xử lý nghiêm trường hợp ép khách mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn.
Theo chỉ đạo mới đây, ngân hàng thương mại khi cho vay không được bắt buộc khách mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác. Nhân viên ngân hàng cũng phải giải thích cụ thể để khách hiểu đúng quyền lợi, cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán đi kèm.
Một số độc giả chia sẻ bị làm khó khi phải mua bảo hiểm nhân thọ thì mới được vay vốn ngân hàng:
Độc giả ngocminh89lqd : Tôi vừa hỏi vay của một ngân hàng 50 triệu đồng, nhân viên liền nói phải mua bảo hiểm nhân thọ. Tôi nói không muốn mua, họ bảo nếu không mua thì phải mua bảo hiểm gói vay 170 ngàn đồng cho 50 triệu.
Độc giả van yen do: Vay vốn ngân hàng đã khó, mà ngân hàng đòi phải có bảo hiểm nhân thọ mới đảm bảo khoản vay. Đi ngân hàng nào cũng vậy, trong khi bản thân tôi không có nhu cầu. Mong chấn chỉnh chính sách để những người cần vay vốn được hỗ trợ vay, chứ không phải nợ ngân hảng rồi còn phải lo thêm bảo hiểm
Độc giả dothitrinh1993: Tôi cũng đã có bảo hiểm nhân thọ nhưng khi thực hiện khoản vay tại ngân hàng lại bị bắt buộc phải mua hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp mà ngân hàng liên kết để được giải ngân trong khi tôi không có nhu cầu.
Cần phải có hướng xử lý hợp lý để những người đã có bảo hiểm rồi không phải vay, vì bảo hiểm nhân thọ là tự nguyện, trong khi ngân hàng lại bắt mua mới cho vay. Điều vô lý là khó khăn nên mới đi vay tiền, mà lại phải trả thêm một khoản tiền cho bảo hiểm nhân thọ nữa thì lấy đâu ra tiền để trả nợ?
Độc giả Duy Phương Thái từng làm việc ngành bảo hiểm chia sẻ:
Từng làm việc trong ngành bảo hiểm và bây giờ đang làm việc tại ngân hàng, tôi cho rằng nên chăng xem xét đến việc khống chế doanh số bán bảo hiểm của các ngân hàng thương mại ở ở mức sàn nào đó.
Vì nhìn vào doanh số bán bảo hiểm đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm của họ là con số không tưởng đối với kênh bán bảo hiểm truyền thống. Vậy có thực chất họ bán bảo hiểm hiệu quả như con số doanh thu ngất ngưởng đó không? Hay các ngân hàng đang lợi dụng vị thế để ép khách hàng mặc dù kiến thức bảo hiểm, kiến thức về sản phẩm bảo hiểm, kỹ năng bán bảo hiểm, khả năng chăm sóc khách hàng của nhân viên nhân hàng thua xa các đại lý bảo hiểm thực thụ.
Độc giả Việt Anh chia sẻ nhân viên ngân hàng cũng có nỗi khổ:
Dân ngân hàng cũng sợ hãi "vỡ mật" vì chỉ tiêu bảo hiểm bên trên đưa xuống. Chạy huy động vốn, cho vay, tín dụng, tăng mã khách hàng đã đủ mệt. Giờ lại còn phải cõng trên lưng chỉ tiêu bảo hiểm.
Thú thật bán bảo hiểm thì phần lớn nhân viên ngân hàng cực ít người đạt chỉ tiêu, mà muốn đạt chỉ tiêu thì thường phải cắt hoa hồng chi riêng cho khách hàng. Vừa cực, vừa mang tiếng vào thân.
Độc giả Ngô Nhật Trường: Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là tốt, nhưng vì cách bán của ngân hàng - chạy theo doanh số, KPI, mà bất chấp bán thì hệ quả khó lường, làm mất đi bản chất của nhân viên ngân hàng thay vì chuyên môn về tín dụng mà cứ đi bán bảo hiểm. Đừng nên xem bảo hiểm là một chỉ tiêu chính của ngân hàng, mà hãy xem là một sản phẩm phụ mà thôi.
Độc giả tranthaotg: Cái gì thể hiện ép buộc và cái nào thể hiện tự nguyện đã ký vào hợp đồng rồi thì đều là tự nguyện hết. Vậy làm sao mà xử nghiêm các ngân hàng đây. Thử hỏi có ai mua bảo hiểm nhân thọ mà vào ngân hàng mua không? Như vậy cũng đủ biết khách hàng có tự nguyện hay bị ép buộc. Cần xử lý nghiêm để giảm bớt gánh nặng cho người dân.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.