Tàu khu trục HMNZS Te Mana của hải quân New Zealand cùng gần 200 thủy thủ sáng nay cập Cảng Sài Gòn, bắt đầu chuyến thăm 4 ngày ở TP. HCM. Đây là một trong hai tàu khu trục hạng nhẹ lớp Anzac, đóng vai trò kỳ hạm của hải quân New Zealand, theo Naval Technology.
Te Mana được khởi đóng ngày 18/5/1996, là tàu thứ 5 được chế tạo trong chương trình tàu khu trục hạng nhẹ Anzac do Australia và New Zealand hợp tác sản xuất. Tàu được hạ thủy sau đó một năm, hoàn tất quá trình thử nghiệm và đưa vào biên chế ngày 10/12/1999. Nó trở thành một trong hai chiến hạm thuộc Lực lượng Chiến đấu, đơn vị duy nhất sở hữu tàu tên lửa của hải quân New Zealand.
Thiết kế lớp Anzac được phát triển từ nền tảng tàu hộ vệ tên lửa MEKO 200 của Đức, áp dụng nhiều thay đổi để phù hợp với yêu cầu của Australia và New Zealand, cũng như tối đa hóa việc sử dụng trang thiết bị nội địa. Tàu khu trục Te Mana dài 118 m, rộng 15 m, có lượng giãn nước toàn tải 3.600 tấn và thủy thủ đoàn 178 người.
Vũ khí chính của Te Mana là pháo đa dụng Mark 45 cỡ nòng 127 mm, có khả năng tấn công cả mục tiêu mặt nước và trên không từ khoảng cách 24 km. Bên cạnh đó là hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) Mark 41 với 8 ống phóng dành cho tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow với tầm bắn 19 km. Hệ thống Mark 41 cho phép tàu sử dụng tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM với khả năng đánh trúng mục tiêu ở cách 50 km.
Tàu được lắp hai súng máy 12,7mm để tự vệ, cùng 6 ngư lôi hạng nhẹ Mark 46 ở hai bên sườn. Khả năng tuần tra, tác chiến tầm xa được tăng cường nhờ một trực thăng Kaman SH-2G Super Seasprite, có thể mang theo tên lửa AGM-65 Maverick hoặc ngư lôi Mark 46.
Thiết kế lớp Anzac cho phép gắn thêm 8 tên lửa diệt hạm RGM-84 Harpoon, một hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx và bệ Mark 41 thứ hai, nhưng các khí tài này đều không được trang bị cho HMNZS Te Mana.
Tàu được trang bị hệ thống đẩy kết hợp diesel hoặc turbine khí (CODOG), gồm một động cơ turbine General Electric LM2500-30 khi cần cơ động nhanh, cùng hai động cơ diesel MTU TB93 cho hoạt động di chuyển bình thường. Te Mana có thể đạt tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ và tầm hoạt động 6.000 hải lý.
Với vai trò kỳ hạm của hải quân New Zealand, HMNZS Te Mana từng tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quân sự. Năm 2005, nó trở thành tàu chiến New Zealand đầu tiên cập cảng tại Nga khi tới thăm thành phố Vladivostok. Tàu khu trục này cũng vừa đại diện cho New Zealand tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 tại Hawaii, Mỹ.