Thứ năm, 14/11/2024
Thứ ba, 12/11/2024, 20:24 (GMT+7)

Dàn khí tài tại triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc

Trung Quốc phô diễn loạt khí tài hiện đại tại triển lãm hàng không Chu Hải, nổi bật nhất là tiêm kích tàng hình J-35A.

Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 15, còn gọi là triển lãm Chu Hải, diễn ra ngày 12-17/11 tại thành phố Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Đây là triển lãm hàng không lớn nhất của Trung Quốc, được tổ chức lần đầu vào năm 1996 và diễn ra hai năm một lần. Sự kiện là dịp để Bắc Kinh giới thiệu các thành tựu trong lĩnh vực hàng không dân sự và quân sự.

Trong ảnh là biên đội tiêm kích J-10 Trung Quốc bay trình diễn theo đội hình và phun khói màu tại ngày khai mạc triển lãm.

Khách tham quan chụp ảnh, quay video màn biểu diễn bay tại sự kiện.

Triển lãm hàng không Chu Hải năm nay thu hút 1.022 doanh nghiệp tới từ 47 quốc gia và khu vực tham gia. Số lượng đại diện nước ngoài có sản phẩm trưng bày ở triển lãm là 159, tăng mạnh so với con số 78 đơn vị hồi năm 2022.

Mô hình tiêm kích tàng hình J-35A trưng bày tại triển lãm.

Tiêm kích tàng hình J-35A do Trung Quốc sản xuất được coi là "ngôi sao" tại triển lãm hàng không Chu Hải năm nay. Sự kiện đánh dấu màn ra mắt trước công chúng của J-35A sau nhiều năm phát triển.

Giới chuyên gia cho biết J-35 có nhiều điểm tương đồng với tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, song điều này không đồng nghĩa Trung Quốc đã sao chép nó. Khác biệt lớn nhất là J-35 có hai động cơ, còn F-35 chỉ có một.

Tiêm kích J-35A bay tại triển lãm Chu Hải
 
 

Trong ngày khai mạc triển lãm, phi cơ J-35A bay lên không trung, thực hiện động tác lộn ngược rồi phóng đi với tốc độ cao trong tiếng hoan hô của khán giả phía dưới.

Sự xuất hiện của J-35A tại triển lãm Chu Hải năm nay cho thấy mẫu máy bay này sắp được đưa vào hoạt động, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ sở hữu hai dòng tiêm kích tàng hình. Chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên của Bắc Kinh là mẫu J-20.

Biên đội tiêm kích J-20 Trung Quốc bay theo đội hình kim cương ở triển lãm Chu Hải.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Wang Mingzhi nhận định sự kết hợp giữa J-35A và J-20 sẽ giúp không quân nước này tăng cường đáng kể năng lực tấn công trên không.

Các tiêm kích hạm J-15T và J-15D của Trung Quốc bay trình diễn tại sự kiện.

Triển lãm Chu Hải năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc mang tới sự kiện các mẫu chiến đấu cơ dành cho lực lực lượng hải quân. Giới chuyên gia nhận định thiết kế của biến thể J-15T cho thấy nó sẽ được trang bị cho chiến hạm Phúc Kiến, tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc.

Mô hình tàu sân bay Phúc Kiến trưng bày tại triển lãm.

Phúc Kiến là tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự chế tạo, được đánh giá là trọng tâm chính trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân "biển xanh" có thể tác chiến xa bờ dài ngày của Bắc Kinh.

Khác với tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông có thiết kế cầu nhảy kiểu cũ, chiến hạm Phúc Kiến được trang bị hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) giống các tàu sân bay đời mới của Mỹ. Con tàu được hạ thủy vào tháng 6/2022 và được thử nghiệm trên biển lần đầu hồi tháng 5.

Năm nay cũng là lần đầu tiên triển lãm Chu Hải có một khu vực dành riêng cho thiết bị bay không người lái (drone), điều cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của loại khí tài này.

Trong ảnh là nguyên mẫu hoặc mô hình theo tỷ lệ thật của máy bay không người lái (UAV) "Cửu Thiên" tại sự kiện. Mẫu phi cơ này của Trung Quốc được trang bị khoang chứa dạng mô-đun, có thể phóng drone trinh sát và chiến đấu cỡ nhỏ.

Tiêm kích tàng hình Su-57, dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga, bay biểu diễn trong ngày khai mạc triển lãm.

Su-57 là một trong các đại diện đáng chú ý từ nước ngoài ở triển lãm. Nga mang đến sự kiện hai nguyên mẫu, chiếc đầu tiên bay trực tiếp đến đây, máy bay thứ hai được vận tải cơ chở đến dưới dạng linh kiện rồi lắp ráp tại chỗ. Đây là lần đầu tiên tiêm kích Su-57 xuất hiện tại một triển lãm hàng không ở nước ngoài.

Tiêm kích Su-57 Nga bay biểu diễn tại Trung Quốc
 
 
Trong buổi bay tổng duyệt hôm 10/11, tiêm kích Su-57 Nga thực hiện nhiều động tác nhào lộn khi bay, trong đó có "lá vàng rơi", khiến khán giả đứng xem trực tiếp thích thú.

Trọng tâm của triển lãm Chu Hải năm nay là lĩnh vực quân sự, do sự kiện được tổ chức trùng với kỷ niệm 75 năm ngày thành lập không quân Trung Quốc.

Dù vậy, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ nước này cũng mang tới đây những thành tựu mới nhất của mình, trong đó có tàu vũ trụ chở hàng có thể tái sử dụng Haolong. Con tàu được thiết kế để phóng bằng tên lửa thương mại rồi ghép nối với trạm vũ trụ Thiên Cung.

"Nó có thể quay trở lại bầu khí quyển, bay và hạ cánh theo chiều ngang xuống sân bay định sẵn, cho phép thu hồi và tái sử dụng", hãng thông tấn Xinhua cho hay.

Ảnh: AFP, China Daily, Reuters