Thứ sáu, 20/9/2024
Thứ sáu, 7/5/2021, 15:12 (GMT+7)

Dàn khí tài Nga sẽ phô diễn trong Duyệt binh Chiến thắng

Quân đội Nga triển khai 190 phương tiện cơ giới, gồm nhiều xe tăng và tên lửa hiện đại nhất biên chế, cho lễ Duyệt binh Chiến thắng 9/5.

Quân đội Nga hôm nay tổ chức tổng duyệt cho lễ Duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, chuẩn bị cho buổi lễ chính diễn ra vào sáng 9/5. Trong ảnh là đoàn xe cơ giới tập kết trên đường phố trung tâm thủ đô Moskva trước ngày tổng duyệt.

Duyệt binh Chiến thắng năm nay được tổ chức để kỷ niệm 76 năm ngày kết thúc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1941-1945 đánh bại phát xít. Năm ngoái, Nga phải hoãn Duyệt binh Chiến thắng sang ngày 24/6/2020 do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Lễ Duyệt binh Chiến thắng năm nay sẽ có sự tham gia của 190 phương tiện cơ giới, gồm những khí tài uy lực nhất trong biên chế quân đội Nga, cùng những vũ khí huyền thoại trong cuộc chiến chống phát xít.

Dẫn đầu khối khí tài cơ giới là xe tăng hạng trung T-34-85, một trong những biểu tượng dễ nhận thấy nhất của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Dòng T-34 giúp cán cân sức mạnh nghiêng về Liên Xô trên mặt trận thiết giáp, góp phần đẩy quân Đức khỏi biên giới nước này bằng các chiến thắng vang dội, trong đó có trận đại chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử ở vành đai Kursk.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-2M với module chiến đấu Berezhok. Đây là phiên bản nâng cấp sâu của dòng BMP-2, nâng cao đáng kể uy lực diệt tăng nhờ 4 tên lửa có điều khiển Kornet-EM với tầm bắn tới 10 km cùng hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa.

BMP-2M cũng có thể được trang bị giáp lồng để đối phó đạn chống tăng nổ lõm (HEAT), nhưng những chiếc tham gia duyệt binh không được lắp loại giáp này.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM trong khối tăng thiết giáp. T-80 là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ ba được thiết kế và chế tạo từ thời Liên Xô. Khi được đưa vào biên chế năm 1976, nó trở thành mẫu MBT đầu tiên trên thế giới được trang bị động cơ turbine khí, trước dòng M1 Abrams của Mỹ tới ba năm.

Động cơ turbine khí trên xe tăng T-80 có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu như xăng và dầu diesel, giảm sự phụ thuộc vào lực lượng hậu cần và cho phép kíp lái sử dụng các kho nhiên liệu của đối phương. Mỗi chiếc T-80 chỉ cần ba phút để khởi động và chuyển trạng thái chiến đấu, thay vì 30 phút như trên xe tăng T-72 sử dụng động cơ diesel.

T-80BVM là phiên bản hiện đại hóa, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong T-80BV, bao gồm động cơ, giáp, hệ thống kính ngắm và điều khiển hỏa lực mới.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M, phiên bản nâng cấp sâu của dòng T-90A, được ứng dụng nhiều công nghệ mới phát triển trên nền tảng mẫu T-90MS dành cho xuất khẩu. Nó được lắp hệ thống bám bắt mục tiêu tự động và máy tính điều khiển hỏa lực mạnh hơn trước, cho phép tấn công nhiều mục tiêu trong điều kiện chiến trường phức tạp.

T-90M trang bị giáp phức hợp mới cùng module giáp phản ứng nổ Relikt tích hợp ở mặt trước và sườn xe, thay thế phiên bản Kontakt-5 trên T-90A. Lớp giáp này có thể giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn thanh xuyên động năng (APFSDS), cũng như vô hiệu hóa đầu đạn HEAT nổ kép. Hệ thống phòng vệ thụ động Shtora-1 được thu gọn đáng kể so với phiên bản T-90A, khiến đối phương khó phá hủy thiết bị hơn.

Siêu tăng T-14 Armata hiện đại nhất của Nga, được phát triển từ năm 2011 và ra mắt trong lễ Duyệt binh Chiến thắng tại Moskva năm 2015. Dòng xe tăng thế hệ mới này nổi bật nhờ tháp pháo không người lái gắn pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ nòng 125 mm. Tháp pháo điều khiển tự động của T-14 được giới quân sự phương Tây đánh giá là sáng kiến tiên phong trong ngành chế tạo xe tăng.

Tổ lái 3 người ngồi trong một khoang được bọc giáp kiên cố phía trước, tách biệt hoàn toàn với tháp pháo và khoang chứa đạn, giúp tăng khả năng sống sót trước hỏa lực đối phương.

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov hồi năm ngoái cho biết dòng T-14 đã được thử lửa tại chiến trường Syria.

Xe phóng đạn thuộc tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M. Dòng Iskander được Nga phát triển nhằm thay thế tên lửa đạn đạo OTR-23 Oka vốn phải tháo dỡ theo khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Iskander-M là tên lửa một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh. Tên lửa có chiều dài 7,2 m, đường kính 0,95 m, trọng lượng phóng 3,8 tấn, đầu đạn nặng 380 kg, có tầm bắn tối đa 450-500 km. Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.

Quân đội Nga hồi năm 2018 xác nhận đã dùng Iskander-M trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Hệ thống pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV sử dụng pháo 2A88 cỡ nòng 152 mm, đạt tầm bắn tối đa 40 km với đạn thông thường và 70 km với đạn thông minh, vượt trội so với tầm bắn 30 km của pháo M109 Paladin Mỹ, 40 km của pháo S90 Braveheart của Anh và AMX AuF2 Pháp.

Nhờ hệ thống nạp đạn tự động, Koalitsiya-SV có thể đạt tốc độ khai hỏa tối đa nhanh gấp đôi M109 Paladin. Bên cạnh đó, mẫu pháo tự hành này còn được trang bị hệ thống định vị vệ tinh và chỉ thị mục tiêu bằng laser. Mức độ tự động hóa cao khiến Koalitsiya-SV chỉ cần hai đến ba người để vận hành.

Xe radar và bệ phóng đạn thuộc tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M3. Mỗi xe chiến đấu trong hệ thống Buk đều được trang bị radar dẫn bắn riêng, tăng khả năng độc lập tác chiến vì không phụ thuộc vào radar điều khiển hỏa lực trung tâm.

Buk-M3 ra mắt năm 2018, là phiên bản cải tiến đáng kể của dòng tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2 được Nga biên chế từ năm 2008. Hệ thống này được trang bị 6 quả đạn có tầm bắn 70 km và đặt trong ống bảo quản kiêm bệ phóng, thay vì 4 quả đạn nằm lộ thiên và chỉ có tầm bắn 50 km của Buk-M2.

Xe phóng đạn 5P85SM2-01 thuộc hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf.

Xe phóng đạn thuộc hệ thống rải mìn Zemledelie-I. Mỗi xe phóng có thể mang tối đa 50 quả đạn cỡ 122 mm, tầm bắn tối đa 15 km, có thể mang theo mìn chống bộ binh và chống tăng, cho phép rải mìn trên diện tích lớn và bảo đảm an toàn cho kíp vận hành.

Xe đa dụng Tigr-M lắp bệ vũ khí điều khiển từ xa Arbalet-DM hộ tống xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars. RS-24 Yars là một trong các dòng ICBM chủ lực của Nga, được thử nghiệm lần đầu năm 2007. Mỗi tên lửa có tầm bắn tối đa 12.000 km, mang được 10 đầu đạn nhiệt hạch, mỗi đầu đạn mạnh tương đương 300.000 tấn thuốc nổ TNT.

Ngoài đội hình tăng thiết giáp và các phương tiện cơ giới, quân đội Nga còn huy động 12.000 binh sĩ cùng 76 máy bay các loại tham gia lễ duyệt binh.

Lễ duyệt binh dự kiến bắt đầu lúc 10h ngày 9/5 (14h giờ Hà Nội).

76 máy bay diễn tập trên bầu trời Moskva
 
 

Các máy bay tập duyệt binh trên bầu trời Moskva hôm 5/5.

Ảnh: Vitaly Kuzmin