Mấy ngày nay, hơn 10 thợ xây dựng miệt mài khoan tường, tháo dỡ ngôi nhà của ông Trương Qui Sâm, 60 tuổi, ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10. Tiếng máy khoan rầm rập, những khối bêtông rớt rào rào, bụi bay mù mịt trong căn nhà một trệt, hai lầu. Đưa tay lau mắt kính dính đầy bụi, ông Sâm cho biết 3 hôm nữa sẽ bàn giao mặt bằng 21 m2 cho dự án Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Với việc giao đất cho dự án, căn nhà ông Sâm sống hơn 20 năm sẽ lùi vào trong 7 m tính từ mặt tiền đường, diện tích còn một nửa so với nhà cũ. Toàn bộ đồ đạc, tủ đựng thuốc bắc 16 ngăn của ông dồn lại một chỗ, phủ đầy bụi. Ba đời làm nghề bán thuốc cứu người, ông Sâm nói việc giao mặt bằng là "quyết định lịch sử" của 6 thành viên gia đình. Sắp đến, là thời gian 5 năm thi công tuyến metro, cuộc sống và việc kinh doanh của gia đình ông ít nhiều ảnh hưởng.
"Mấy hôm nay tôi chỉ bán được cho khách quen, vì bây giờ xóm này gần như trở thành công trường tháo dỡ nhà. Đêm lại, ngủ trong nhà chật hơn thấy lạ lẫm lắm, nấu ăn khó khăn nhưng vì sự phát triển thành phố nên mình cố chịu khó ít lâu vậy", ông Sâm nói.
Hơn năm trước, mức giá đền bù 210 triệu đồng mỗi m2 khiến nhiều hộ dân ở khu phố ông Sâm không đồng tình. Bởi họ cho rằng mức đền bù chỉ bằng 70% giá thị trường - mỗi m2 đất từ 270 đến 300 triệu đồng. Nhà này nhìn nhà kia, cuối cùng đều chấp nhận sau nhiều lần họp bàn, thuyết phục của chính quyền. Nhiều hộ nhận tiền đền bù xong, thuê công ty xây dựng đến tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. "Chỉ mong dự án hoàn thành đúng tiến độ là vui lắm rồi", ông Sâm chia sẻ.
Cách nhà ông Sâm chừng 2 km, ông Trần Văn Đức, 83 tuổi, ở đường Trường Chinh, quận Tân Bình đã bàn giao 33 m2 đất từ hai hôm trước. Làm tổ trưởng tổ 44, khu phố 5, phường 4, ông Đức là người đầu tiên tháo dỡ, giao mặt bằng hồi tháng 5. Sống ở ngã tư Bảy Hiền từ rất lâu, lại có thâm niêm 42 năm làm tổ tưởng dân phố nên ông Đức được bà con tin tưởng. Hơn một năm nay, ngày nào ông cũng đến 22 hộ dân trong tổ tỉ tê, thuyết phục người dân giao mặt bằng.
Mức giá đền bù ở tổ ông Đức là 150 triệu mỗi m2, khiến một số người không đồng ý vì cho rằng giá thị trường hơn 200 triệu đồng. Ông Đức bằng lý lẽ của mình, giải thích việc giao đất lúc đầu bà con hơi thiệt, nhưng lâu dài đường bớt kẹt xe, dịch vụ theo tuyến metro phát triển, dân sẽ hưởng lợi nhiều.
Đến nay, toàn bộ hộ dân tổ 44 đồng ý giao đất, nhận tiền đền bù. Phần lớn các hộ đã thuê thợ, tháo dỡ nhà giải phóng mặt bằng, chỉ còn 4 nhà có người sống ở Mỹ, chưa kịp gửi giấy ủy quyền để giao đất.
Bốn tháng nay, ông Đức cùng vợ phải sang ở nhà con gái tại khu Bàu Cát, cách nhà cũ chừng 2 km. Hàng ngày ông chạy xe máy hai bận lên đôn đốc công nhân sửa nhà, rồi ghé các hộ dân trong tổ hỏi han việc tháo dỡ gặp khó khăn gì không. "Mình ăn nhiều, ở có bao nhiêu đâu. Có tuyến metro, giao thông thành phố hiện đại như nước ngoài, người dân sẽ được lợi", ông Đức tâm niệm.
Tân Bình là quận có số hộ dân phải giải tỏa lớn nhất toàn tuyến Metro Số 2 với 356 trong số 603 trường hợp, chiếm 60% toàn dự án. Ông Nguyễn Tấn Tài, Phó ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Tân Bình cho biết, quận đã ra quyết định bồi thường cho 339 trường hợp (300 cá nhân, 39 tổ chức), trong đó có 275 hộ đã nhận tiền đền bù với tổng kinh phí 1.660 tỷ đồng. Quận chỉ còn 20 trường hợp chưa thống nhất về giá đền bù nên đang vận động giải quyết.
Để đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng, ông Tài cho biết phải công khai minh bạch bằng cách niêm yết các phương án đền bù cho người dân góp ý. Phía đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát đưa ra mức giá sát thị trường, gửi quận thẩm định sau đó trình thành phố phê duyệt. Cơ quan chức năng quận, phường, khu phố, tổ dân phố phải nhiều lần tiếp xúc, thuyết phục người dân giao mặt bằng.
"Trước mắt người dân phải chịu thiệt đôi chút nhưng tương lai khi tuyến metro được vận hành, dân cũng sẽ hưởng lợi từ dự án này", ông Tài nói và cho biết trong năm nay sẽ giải quyết các trường hợp còn lại, để giao mặt bằng cho dự án.
Hiện, quận Tân Bình bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 2 trong tổng số 6 nhà ga gồm nhà ga S10 - Phạm Văn Bạch và nhà ga S11 - Tân Bình. Bốn nhà ga còn lại gồm S7 - Nguyễn Hồng Đào, S8 - Nguyễn Thượng Hiền, S9 - Bà Quẹo và S6 - Phạm Văn Hai dự kiến trong năm nay bàn giao 100% mặt bằng.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban quản lý dự án 2 (Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM) cho biết, hiện các quận cơ bản hoàn tất thủ tục bồi thường với 590 trong tổng số 603 trường hợp, trong đó quận 1, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng toàn tuyến đạt gần 44% (tức 265 trong tổng số 603 trường hợp). Metro Số 2 đã xây xong depot Tham Lương (quận 12) trên khu đất 26 ha, gồm 6 tầng nổi và một tầng hầm làm văn phòng điều hành, bãi đỗ, nơi sửa chữa tàu.
Theo kế hoạch, Metro số 2 cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng toàn tuyến trong năm nay. Quý 3/2021, dự án tiến hành thi công ở hai vị trí đầu tiên là ga ngầm S7 - Bảy Hiền và S9 - Phạm Văn Bạch. Kế hoạch cuối năm 2026, Metro Số 2 sẽ hoạt động giai đoạn 1 chở khoảng 140.000 khách mỗi ngày, giai đoạn 2 tăng lên 400.000 khách, cao hơn Metro Số 1.
Công tác bàn giao mặt bằng cho tuyến Metro Số 2 được chính quyền thành phố quan tâm. Trong các cuộc họp về tiến độ tuyến metro gần đây, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang liên tục đề nghị các quận phải đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho dự án.
Metro số 2 có tổng chiều dài hơn 11 km; đoạn đi ngầm dài khoảng 9,2 km; đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot (trung tâm điều khiển và sửa chữa tàu) khoảng 2 km. Toàn tuyến bao gồm 9 ga ngầm, một ga trên cao và một depot tại Tham Lương, quận 12.
Dự án đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng (khoảng hơn 2.09 tỷ USD). Công trình ảnh hưởng 603 hộ dân (trong đó 121 hộ phải di dời, số còn lại bị ảnh hưởng một phần) với tổng diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 251.100 m2.
Hà An