![]() |
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ chối lưu thông tiền cũng là phạm pháp. |
"Nếu bắt buộc phải nhận về trong ngày đầu lưu thông thì chúng tôi sẽ nhận một ít, chứ vào lúc này chúng tôi chưa muốn lấy. Hầu như chẳng có khách hàng nào yêu cầu nhận tiền kim loại khi đến giao dịch tại ngân hàng", Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank) Lê Đắc Sơn tâm sự.
Kết quả cuộc thăm dò ý kiến độc giả VnExpress về việc sử dụng tiền xu cho thấy, 57% số người tham gia biểu quyết cho biết mình chưa bao giờ tiêu tiền kim loại. 23,8% cho biết chỉ dùng để tiêu vặt. 8,1% số người tham gia cho biết đã dùng tiền xu để mua bán ngoài chợ. 7% đã tiêu tiền xu trong siêu thị. 2,2% dùng để mua xăng và 1,9% dùng trong nhà hàng, khách sạn. |
Theo ông Sơn, vào thời điểm này người dân thực sự chưa quen và chưa thích tiêu tiền xu bởi giá trị của nó nhỏ và rất bất tiện khi mang theo mình. "Cơ bản thì các đồng tiền xu là có giá trị, nhưng hiện giờ giá trị sử dụng của nó chưa cao bởi chưa được chấp nhận rộng rãi trong lưu thông", ông nói thêm.
Cuối năm ngoái, khi xu 200, 1.000 và 5.000 đồng ra mắt, VP Bank cũng như nhiều ngân hàng khác đều xin nhận một khối lượng khá lớn. Tuy nhiên, theo ông Sơn lúc đó, người dân đang háo hức nhìn tận mắt và sở hữu đồng tiền kim loại sau nhiều năm vắng bóng. "Hơn nữa, thời điểm phát hành lại rơi vào gần Tết âm lịch nên ai cũng muốn đổi để làm tiền mừng tuổi. Đó đơn thuần chỉ là sự háo hức được sở hữu tiền mới chứ không phải bắt nguồn từ nhu cầu chi tiêu thực sự", ông phân tích.
Chia sẻ quan điểm này, chị Lan Hương, cán bộ một công ty truyền thông ở Hà Nội, cho biết vẫn chưa sẵn sàng tiêu bằng tiền xu. "Mỗi lần đi ăn sáng, uống nước hay mua mớ rau, cân cá, trả bằng xu đều bị từ chối. Tự mình cũng thấy ngài ngại thế nào đó khi dùng một, hai xu để trả tiền cho ly cà phê hay suất cơm trưa", chị tâm sự.
Còn anh Duy Anh, giám đốc một công ty tin học ở TP HCM, lại băn khoăn nhiều về kinh phí để sản xuất tiền kim loại. "Tôi thì thấy việc phát hành tiền xu vào lúc này chưa thích hợp, thậm chí là lãng phí. Giữa lúc giá cả leo thang, lạm phát tăng cao, lại bỏ tiền ra để thuê đúc ở bên ngoài. Không rõ chi phí đúc là bao nhiêu, nhưng chắc chắn phải cao hơn giá trị một đồng tiền. Cứ nhân với 1 tỷ đơn vị, số tiền bỏ ra không nhỏ chút nào", anh tính toán.
Cũng vì nhu cầu khách hàng không nhiều nên Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) dự định ngày 1/4 sẽ chỉ nhận một số lượng hạn chế tiền xu 500 và 2.000 đồng. "Cả kho quỹ của chúng tôi lúc này chỉ có vài ba triệu đồng tiền kim loại. Chúng tôi còn định kiểm đếm để gửi bớt lại cho Ngân hàng Nhà nước. Với 2 xu mới, chắc cũng nhận một chút để cho đủ các mệnh giá chứ thực tình thì đưa cho khách hàng, họ có chịu lấy đâu", Trưởng phòng Ngân quỹ Vietcombank Trần Thị Hoà trao đổi với VnExpress.
Tuy nhiên, chị Hoà kiên quyết bảo vệ quan điểm cho rằng phát hành tiền kim loại là một xu thế tất yếu. "Chưa nói gì tới chuyện thanh toán tự động, chỉ cần nhìn nhân viên kho quỹ ngân hàng vất vả thu gom các đồng tiền giấy mệnh giá nhỏ đã nát mủn ra cũng đủ thấy tiền kim loại cần thiết như thế nào. Tiền xu bền hơn và vệ sinh hơn nhiều". Chị tin tưởng một ngày nào đó, người dân sẽ quen với chuyện tiêu tiền xu.
"Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ kế hoạch đưa tiền xu vào lưu thông. Thực tế thì người dân chưa mặn mà, cơ sở hạ tầng của mình cũng chưa đủ điều kiện để phát triển thanh toán tự động. Nhưng về lâu về dài, trong một xã hội hiện đại, tiền xu không thể vắng bóng", Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Thương mại Quốc tế Việt Nam Vũ Đức Nhuận bày tỏ.
Theo ông Nhuận, thực tế là hiện nay người dân mới cất giữ tiền xu như một niềm vui được sở hữu đồng tiền kim loại đầu tiên, chứ chưa thực sự sẵn sàng chấp nhận chuyện tiêu dùng nó. "Tuy nhiên, phải biết chấp nhận những điều đó cũng như phải chấp nhận một thời gian quá độ để đi đến tự động hoá các hoạt động mua sắm nơi công cộng. Cũng như việc phát hành thẻ thanh toán mấy năm trước được xem là viển vông, mạo hiểm thì nay đang là một trong những mảng kinh doanh mũi nhọn của các ngân hàng", ông nói thêm.
Dưới con mắt của một nhà nghiên cứu, Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính Vũ Văn Hoá cũng cho rằng việc phát hành các đồng tiền kim loại là phù hợp với quy luật lưu thông tiền tệ và nhằm hợp lý hoá cơ cấu các mệnh giá đồng tiền Việt Nam. Chi phí đúc tiền không được tiết lộ, song theo ông vẫn nằm trong giới hạn chi phí hợp lý của lưu thông tiền tệ. Nó cũng không phải là lớn để có thể ảnh hưởng đến tình hình thị trường giá cả hay lạm phát của cả nền kinh tế. "Còn chuyện chi tiêu tiền xu, có lẽ lâu rồi người dân chưa sử dụng nên chưa thấy tiện. Về sau, rồi họ sẽ thích nghi và tự biết cách bảo quản đồng tiền", ông tin tưởng.
Song Linh