Từ ngôi nhà trên nhóm đảo Mã Tổ nhìn qua eo biển, ông Lin có thể nhìn thấy đất liền tỉnh Phúc Kiến, nơi quân đội Trung Quốc (PLA) vừa tiến hành đợt tập trận bắn đạn thật kéo dài ba ngày. Trong đợt tập trận, PLA còn công bố video mô phỏng đòn tập kích bằng hàng loạt tên lửa nhắm vào các mục tiêu trên đảo Đài Loan.
"Đài Loan sẽ không có cách nào chống cự trước tên lửa tiên tiến của Trung Quốc nếu xung đột bùng phát", Lin, đầu bếp 60 tuổi ở Bắc Can, đảo lớn thứ hai trong nhóm đảo Mã Tổ, nói. "Chỗ chúng tôi sẽ bị san phẳng thành bình địa".
Lực lượng phòng vệ Đài Loan kiểm soát nhóm đảo Mã Tổ và Kim Môn ngay sát bờ biển Trung Quốc, sau khi Tưởng Giới Thạch chạy sang hòn đảo năm 1949.
Dù quan hệ giữa hai bờ eo biển căng thẳng suốt hàng chục năm qua, cuộc sống của người dân sống lâu năm ở Mã Tổ vẫn diễn ra bình lặng. Trên khắp đảo Bắc Can là những cơ sở đồn trú quân sự bị bỏ hoang, cây cối rậm rạp. Những hầm trú bom xung quanh các đồn này cũng chung số phận tương tự, dù sẽ là nơi dân đảo tìm đến nếu xung đột nổ ra.
Nhóm đảo Mã Tổ nằm rất gần khu vực diễn ra cuộc tập trận của Trung Quốc, nhưng tàu phà, máy bay vẫn hoạt động, hành khách là binh lính lẫn lộn với thường dân.
Khoảng 8.000 người sống trên nhóm đảo Mã Tổ hiếm khi nhìn thấy tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc, dù chúng đang tham gia tập trận gần đó. Họ chỉ có thể thấy các trang trại gió và khu công nghiệp của Phúc Kiến cách vài km bên kia bờ biển, nhưng hiểu rằng tình hình sẽ rất khốc liệt nếu xung đột nổ ra.
"Không phải chúng tôi không cảm nhận được mối nguy hiểm cận kề, nhưng nếu kịch bản đó thực sự xảy ra, chúng tôi sẽ phải đối mặt", Lin Ai-lan, 64 tuổi, hướng dẫn viên địa phương, nói. "Không có nhiều vũ khí để kháng cự ở nhóm đảo này".
Giới chức Đài Loan từng duy trì một số hầm ngầm trong vách núi trên các đảo để giấu khí tài quân sự hoặc làm nơi trú ẩn trong trường hợp bị tấn công. Nhưng nhiều đường hầm đã sụp đổ hoặc giờ đây được sử dụng cho mục đích du lịch.
Nổi tiếng nhất trong số đó là hầm ngầm Bắc Hải, hiện tập trung nhiều xe du lịch và được trang trí bằng những vỏ đạn pháo cũ.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan thường xuyên tổ chức tập trận chống đổ bộ, song một số người cho rằng các đảo được bảo vệ quá sơ sài, nên chuyện Bắc Kinh hành động "chỉ là vấn đề thời gian".
"Nếu Trung Quốc muốn, mọi thứ sẽ diễn ra rất nhanh. Năng lực phòng thủ không bao giờ đủ. Ngay cả khi chính quyền tăng đáng kể đầu tư tài chính và mức độ quan tâm cho nhóm đảo, chúng tôi vẫn không có cơ hội", Ben Lin, 32 tuổi, nói khi tới thăm hầm ngầm Bắc Hải. Ben dự đoán xung đột có thể xảy ra trong một thập kỷ tới.
Trong khi một số dân Mã Tổ hoài nghi về năng lực phòng thủ, các chuyên gia Đài Loan cho rằng các đảo tiền tiêu này có những giá trị chiến lược riêng.
Tzeng Yi-suo, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng ở Đài Bắc, cho biết nhóm đảo giúp Đài Loan có khả năng "cảnh báo sớm" về bất cứ hành động quân sự nào của Trung Quốc đại lục.
Theo ông, Mã Tổ cũng cho phép phát hiện các dấu hiệu huy động quân sự trên biển ở thành phố Phúc Châu, Trung Quốc, đóng vai trò "bệ phóng cho phản ứng của Đài Loan". "Mã Tổ và Kim Môn đều có khả năng trở thành căn cứ cho các hệ thống pháo phản lực đa nòng hiện đại", chuyên gia Tzeng nhận định.
Trong khi đó, Hsu Yi-yang, 31 tuổi, nhân viên khách sạn ở Mã Tổ, tỏ ra không mấy lạc quan.
"Dù có bố trí thêm bao nhiêu lực lượng trên hai nhóm đảo xa xôi này đi chăng nữa, chúng tôi vẫn sẽ không thể tự vệ. Vậy tại sao không để nguyên trạng như hiện nay đi?", Hsu đặt câu hỏi.
Đức Trung (Theo AFP)