Họ đang sơ chế dứa và dưa chuột để xuất khẩu. "Công nhân" mặc quần áo như thể vừa đi làm đồng về, ngồi trên nền xi măng đen sì. Ai gọt xong phần của mình, tự đem rửa trong mấy cái thau và bể nước xi măng trông không có vẻ gì sạch sẽ rồi tự đóng hộp. Dứa đóng hộp kẽm như thời bao cấp. Dưa chuột muối đóng trong lọ thủy tinh. Nhãn mác ghi tiếng Nga nhưng được in thủ công, nhìn không hề bắt mắt. Tôi thấy hóa chất xử lý thực phẩm đựng trong các can nhựa không nhãn mác cạnh đó. Phể phẩm chất đống bốc mùi ngay cạnh xưởng từ nhiều ngày.
Đây là một doanh nghiệp xuất khẩu dứa và dưa chuột đóng hộp sang Nga và Mông Cổ. Chủ doanh nghiệp là một bác đã 73 tuổi, trước kia làm ở Sở Công thương Vĩnh Phúc. Nhờ quan hệ từ thời làm cán bộ nhà nước khi Việt Nam xuất khẩu một số nông sản sang các nước Đông Âu và Mông cổ, bác có hai bạn hàng này.
Doanh nghiệp không có quy trình và công đoạn sản xuất, nhìn trực quan cũng dễ nhận thấy khó có thể đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa nói đến chất thải gây ô nhiễm không được xử lý mà xả thẳng ra hệ thống rãnh nước của làng. Bác bảo, doanh nghiệp mỗi năm chỉ xuất khẩu khoảng 40 container dứa và dưa chuột khi mùa vụ đến. Hết vụ, các "công nhân" trở lại với đồng áng.
Tôi hỏi tại sao bác không mở rộng sản xuất và thị trường sang các nước Tây Âu. "Sản phẩm của tôi đã tham dự hội chợ ở Đức, nhưng tôi không biết ngoại ngữ, không hiểu về các quy định, quy trình xin cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, các luật lệ liên quan của EU cũng như thiếu mặt bằng sản xuất và vốn. Điều đó là bất khả thi", bác nói.
Năm 2018, viện chúng tôi nhận được khoản tài trợ từ tổ chức USAID cho dự án thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu. Mục tiêu của dự án nhằm kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Tôi có dịp được tiếp xúc sâu hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, nông sản và thủ công mỹ nghệ. Doanh nghiệp thứ hai chúng tôi tới thăm trong dự án là một công ty may gia công cho hai đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn 10 năm qua, xưởng may hoạt động trên chính mảnh đất của gia đình với khoảng 40 công nhân.
Trong tiếng ồn của máy may, tôi hỏi chủ doanh nghiệp khoảng 40 tuổi: "Anh có kế hoạch mở rộng sản xuất và tìm thêm khách hàng không?". Anh trả lời " Không, vì thiếu mặt bằng, vốn và tôi không biết ngoại ngữ, sử dụng Internet, cách thức tìm khách hàng, làm hợp đồng hay mở L/C". Hai đối tác khi đó của doanh nghiệp là những người tự tìm đến để đặt hàng. Xưởng may chỉ biết sản xuất theo đúng mẫu đã nhận, còn các thủ tục khác khách hàng phải tự thực hiện. Khâu đảm bảo và kiểm soát chất lượng (QA và QC) cho mỗi lần đặt hàng cũng như các thủ tục liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu thành phẩm đều đi thuê ngoài.
Con số hơn một trăm nghìn doanh nghiệp đã đóng cửa bởi dịch Covid-19 được công bố khiến tôi tự hỏi, hai doanh nghiệp trên sẽ thế nào nếu các đối tác của họ không bán được hàng, bị phá sản, những lao động trong làng sẽ ra sao. Tôi băn khoăn còn bởi cách thức làm ăn ấy cũng có thể đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Đó là mô hình kinh doanh thiếu bền vững: chủ doanh nghiệp tự làm toàn bộ các công việc từ quản lý, giám sát, tuyển nhân công, ký hợp đồng, quản lý tài chính, kế toán đến quan hệ với khách hàng.
Họ có rất ít khách hàng và thường là khách quen, không thể mở rộng được sản xuất cũng như tìm kiếm được đối tác mới vì khó khăn về tiếp cận đất đai, vốn, hạn chế về ngôn ngữ, thiếu hiểu biết về các thủ tục xuất nhập khẩu, hợp đồng quốc tế. Họ không có mối liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành và không biết quản lý sản xuất ở quy mô lớn. Và vấn đề là họ cũng không quyết liệt thay đổi hạn chế đó bằng học hỏi, cải tổ cách làm việc; cũng như không ai chỉ cho họ để tự "nâng cấp" mình.
Làm việc với các doanh nghiệp hỗ trợ B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) của Việt Nam, chúng tôi cũng nhận thấy hầu hết dịch vụ mà họ cung cấp vẫn còn đơn sơ, chỉ là nối giữa khách hàng tiềm năng với doanh nghiệp trong nước khi nhận được yêu cầu từ nhà nhập khẩu. Họ không cung cấp được thêm bất cứ dịch vụ nào khác. Do vậy, các kết nối này thường chẳng đi đến đâu. Điều này lý giải thắc mắc của tôi khi chứng kiến một doanh nhân Mexico hàng năm phải bay nửa vòng trái đất sang tận Việt Nam để đặt hàng và mang về 10 ngàn chiếc áo phông với phí tổn về thời gian và tiền bạc không hề nhỏ. Ông đã không thể tìm được một đối tác cung cấp các dịch vụ hỗ trợ B2B tin cậy ở Việt Nam để giao phó khâu tìm nhà sản xuất đáp ứng được đúng yêu cầu của đơn hàng thay đổi mỗi năm.
Vì sao doanh nghiệp hỗ trợ B2B lại quan trọng với nền kinh tế Việt Nam? Vì doanh nghiệp Việt từ xưa tới nay chỉ biết sản xuất nhưng không giỏi trong việc kết nối giao thương với nước ngoài, đàm phán, thông tỏ luật, thủ tục hợp đồng thương mại quốc tế, tìm kiếm khách hàng chất lượng ở các thị trường lớn. Trong thế giới hậu Covid-19, mô hình kinh tế không tiếp xúc sẽ không còn những doanh nhân bay sang Việt Nam trực tiếp ký hợp đồng đặt hàng nên các doanh nghiệp hỗ trợ B2B sẽ đảm nhận hết các dịch vụ trung gian trong mạng lưới thương mại quốc tế.
Hiện tại, tôi hình dung các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam như những chú cừu đang lang thang bất định trên thảo nguyên khô cằn. Thảo nguyên rất cần một vài chú chó chăn cừu đủ mạnh và tinh nhanh dẫn dắt và thúc đẩy chúng sang những miền đất mới, nơi có nhiều đồng cỏ tốt tươi, những nguồn nước dồi dào hơn. Đó là một vài doanh nghiệp hỗ trợ dịch vụ B2B đủ lớn có thể coi như "Made in Vietnam". Với sự hỗ trợ của chính phủ và các chính sách hợp lý, họ sẽ không chỉ làm công việc kết nối mà sẽ giúp các doanh nghiệp làm việc với từng khách hàng, soạn thảo và ký kết, bảo lãnh hợp đồng, giúp khách hàng thực hiện QA và QC, thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, đăng ký và quy trình áp dụng các tiêu chuẩn về hàng hóa. Ngoài ra, họ còn có thể liên kết các doanh nghiệp cùng ngành khi có đơn hàng lớn và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản lý tài chính và quy trình sản xuất. Với một thị trường hơn 700 ngàn doanh nghiệp, chi phí logistic hơn 50 tỷ USD mỗi năm và tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên 500 tỷ USD, nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính sách, tôi cho rằng sẽ có những doanh nghiệp lớn rất muốn tham gia vào lĩnh vực này. Chỉ như vậy, doanh nghiệp Việt mới có thể tiến ra thị trường nước ngoài và dịch chuyển lên công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam mới có thế hệ doanh nhân đầu tiên kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời. Sau hơn 20 năm, giờ là lúc đưa ra chiến lược nuôi dưỡng và hình thành các thế hệ doanh nhân mới với nền tảng ngoại ngữ, kỹ năng làm ăn vững chắc hơn. Tôi cho rằng việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp thứ hai, đưa các kiến thức về quản lý, kinh tế và tài chính cơ bản vào chương trình giáo dục từ bậc phổ thông rất quan trọng. Những chủ doanh nghiệp chân đất kia, họ có thể làm gì với đối tác nước ngoài nếu không hiểu người kia đang nói gì?
Rất nhiều người vẫn nói rằng doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn. Tôi lại nghĩ, chẳng phải ai cũng theo thời gian mà lớn, nếu không có những thay đổi về chất ở cả bên trong lẫn các điều kiện chung bên ngoài.
Phùng Đức Tùng