Chiến tranh Trăm năm (1337-1453) là chuỗi xung đột kéo dài và gay gắt giữa Anh và Pháp liên quan tới yêu sách lãnh thổ. Cuộc chiến diễn ra trong thời kỳ thay đổi công nghệ quân sự của châu Âu, từ chiến tranh của lực lượng nông dân kết hợp hiệp sĩ quý tộc phát triển thành chiến tranh giữa các đội quân chuyên nghiệp của từng quốc gia.
Đại bác và súng bộ binh cũng được sử dụng rộng rãi, vì các hai bên đều tìm cách tận dụng mọi ưu thế để đánh bại đối phương.
Trận Agincourt được biết đến nhiều nhất trong Chiến tranh Trăm năm vì Anh đã giành chiến thắng vang dội trước Pháp dù bị đối phương áp đảo hoàn toàn về quân số. Trận đánh cũng cho thấy sự phát triển mới trong nghệ thuật chiến tranh của Anh và châu Âu.
Trận Agincourt diễn ra ngày 25/10/1415 gần Azincourt, miền bắc nước Pháp. Sau thời gian vây hãm, lực lượng Pháp với quân số áp đảo bắt đầu tấn công đội quân Anh do vua Henry chỉ huy đang hành quân trên đất Pháp. Khi đó, Anh có khoảng 5.000 hiệp sĩ, tay súng và cung thủ, còn Pháp vượt trội về lực lượng với khoảng 30.000-100.000 binh sĩ.
Dù bị áp đảo hoàn toàn về quân số, quân Anh đã kết hợp chiến thuật và khả năng huấn luyện vượt trội để biến thảm họa thành chiến thắng. Chìa khóa mang đến thắng lợi cho Anh là địa hình lầy lội và đội quân sử dụng trường cung nổi tiếng của họ.
Quân Pháp rất tự tin vào chiến thắng trước đội quân Anh ít hơn rất nhiều, nên rất hăng hái xông lên phía trước. Khoảng 8.000 quân thiết kỵ của Pháp xông lên, tìm cách cơ động áp sát đội hình bộ binh Anh để cận chiến.
Tuy nhiên, thời tiết mùa thu ẩm ướt tạo ra những con đường lầy lội trên địa hình chật hẹp, bao quanh là rừng, khiến các hiệp sĩ mặc áo giáp nặng nề của Pháp bị sa lầy và nhanh chóng mắc kẹt trong bùn trên đường tiến quân.
Điều này cho phép các cung thủ chuyên nghiệp của Anh cơ động vào phạm vi 300 mét và bắn tên liên tiếp vào quân Pháp. Những cơn mưa tên chính xác khiến những lớp thiết kỵ đầu tiên gục xuống, cản đường cơ động của đội quân phía sau rồi đến lượt họ làm mồi cho cung thủ Anh.
Những lính Pháp mang giáp trụ nặng vô cùng vất vả vượt qua cánh đồng lầy lội, bùn ngập đến đầu gối khiến họ dễ dàng trở thành mục tiêu cho cung thủ Anh. Khi vượt qua được làn mưa tên, họ kiệt sức và không thể đánh cận chiến với bộ binh Anh đang chờ sẵn. Quân Pháp bỏ chạy trong hoảng loạn.
Trong trận này, trường cung Anh đã thể hiện là vũ khí đỉnh cao của công nghệ cung tên. Các mũi tên được thiết kế cẩn thận với mục đích xuyên thủng áo giáp. Kết hợp với lực bắn lớn của trường cung, vũ khí này có thể dễ dàng hạ gục một hiệp sĩ mặc giáp. Tuy nhiên, lợi thế đó là vô nghĩa nếu thiếu sự chính xác và kỷ luật của những cung thủ được huấn luyện bài bản.
Phần lớn binh lính trong quân đội châu Âu khi là lính đánh thuê hoặc nông dân, chỉ có số ít người giàu có mới được đào tạo chuyên sâu và trang bị đầy đủ vũ khí cùng áo giáp. Trong khi đó, cung thủ Anh là những binh sĩ được huấn luyện sử dụng vũ khí và chiến đấu chuyên nghiệp, thay vì là những nông nô không có kinh nghiệm chiến đấu.
"Nếu muốn huấn luyện một cung thủ, hãy bắt đầu từ ông nội của anh ta", vua Edward III của Anh từng nói, đề cập việc binh sĩ được tuyển vội vã không thể đáp ứng tiêu chuẩn huấn luyện của cung thủ.
Khóa huấn luyện chuyên sâu đã mang lại những kỹ năng vượt xa mọi cung thủ hay lính bắn nỏ của các quốc gia châu Âu khác, biến cung thủ Anh trở thành lực lượng có tính quyết định cục diện chiến trường.
Duy Sơn (Theo War History)