Được phóng lên không gian cùng 3 phi hành gia trên tàu Thần Châu-18 vào cuối tháng 4, đàn cá ngựa vằn và 4 gram tảo hiện vẫn trong tình trạng tốt. Chúng đang sống trong một bể nước trên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, Space hôm 28/5 đưa tin.
Những "phi hành gia dưới nước" này là một phần của dự án do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) dẫn đầu. Dự án nhằm nghiên cứu tác động của trọng lực và hệ sinh thái bị giới hạn với sự tăng trưởng, phát triển và hành vi của động vật có xương sống. Đây là dự án nghiên cứu sinh thái thủy sinh trên quỹ đạo đầu tiên của Trung Quốc và cũng là thí nghiệm nuôi động vật có xương sống đầu tiên thuộc loại này trong không gian.
Trạm vũ trụ Thiên Cung quay quanh Trái Đất ở độ cao 340 - 450 km, xấp xỉ độ cao quỹ đạo của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Các phi hành gia đã thành công thu thập mẫu nước hai lần và thay thế hộp thức ăn cho cá một lần. Với môi trường vi trọng lực trên trạm Thiên Cung, phi hành đoàn nhận thấy cá ngựa vằn thể hiện một số hành vi định hướng bất thường, ví dụ như bơi ngược và quay vòng, theo Zheng Weibo, nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Kỹ thuật Thượng Hải thuộc CAS.
Cá ngựa vằn (Danio rerio), một loài cá nhỏ thuộc họ Cá chép (Cyprinidae), là một trong những sinh vật mẫu được sử dụng thường xuyên nhất cho các nghiên cứu di truyền và phát triển. Nghiên cứu đang diễn ra trên trạm Thiên Cung sẽ tìm hiểu ảnh hưởng của vi trọng lực và bức xạ lên các hệ thống sinh học và hỗ trợ giảm tình trạng tiêu xương ở phi hành gia.
"Cá ngựa vằn, động vật mẫu có sự tương đồng gene với con người, có thể được sử dụng để nghiên cứu nhiều bệnh ở người", Wang Gaohong, nhà nghiên cứu tại Viện Thủy sinh học thuộc CAS, cho biết. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), khoảng 70% gene của người có điểm tương đồng với bộ gene của cá ngựa vằn.
Ngoài mẫu nước, các phi hành gia sẽ thu thập mẫu trứng cá để phục vụ nghiên cứu. Cá ngựa vằn là một mẫu sinh học độc đáo vì phôi thai của chúng trong suốt và phát triển bên ngoài tử cung. Điều này đồng nghĩa, các chuyên gia có thể nghiên cứu sự phát triển của chúng ngay từ quá trình thụ tinh. Bên cạnh đó, hệ sinh thái thủy sinh tự duy trì, nơi tảo và cá hỗ trợ lẫn nhau, cũng giúp tìm hiểu những thách thức trong việc duy trì hệ thống hỗ trợ sự sống cho các nhiệm vụ không gian dài hạn và môi trường sống ngoài không gian.
Thu Thảo (Theo Space)