“Tôi băn khoăn khi đọc báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm và thực tế, chưa bao giờ lòng dân bất an như lúc này. Cử tri nói ra ngõ là gặp kẻ cướp. Thậm chí chúng còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, uy hiếp lột tài sản”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng phát biểu tại phiên họp tổ chiều 29/10 bàn về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Dù nhận định rằng đã có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng song ông Dũng bày tỏ sự lo lắng trước thực tế từ nông thôn đến thành thị, từ công sở đến những nơi trang nghiêm ...đều có tội phạm.
Ông đề nghị phải đánh giá thực trạng một cách nghiêm túc, không vì quá mải chạy theo những con số tăng trưởng kinh tế mà quên mất các vấn đề xã hội. “Giờ có làm được 10 đồng mà con cái bị tội phạm tấn công thì cũng vứt hết, không tác dụng gì”, ông nói.
Đề cập đến thực tế "người dân tự xử" như các vụ đánh chết kẻ trộm chó, vây các cơ sở gây ô nhiễm,... đại biểu Nguyễn Văn Luật (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) cho rằng, đây là biểu hiện của việc dân mất niềm tin.
“Vi phạm pháp luật hầu như lĩnh vực nào cũng có. Đáng lo ngại hơn là việc bảo kê, bao che của các cấp chính quyền. Ở TP HCM, hàng trăm cơ sở mát xa, karaoke trá hình tràn lan như thế chẳng nhẽ chính quyền không biết? Phải đập một lúc hàng trăm căn hộ xây trái phép của người dân cũng vì không biết?”, ông Luật đặt vấn đề.
Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nêu thực tế đáng ngại là hàng loạt vụ việc diễn ra ở địa phương, chính quyền địa phương hoàn toàn có thể xử lý nhưng lại đẩy lên Chính phủ như vụ “nhân bản kết quả xét nghiệm” ở Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) vừa qua.
Đề cập đến tội phạm kinh tế và tham nhũng, đại biểu Bùi Đặng Dũng cho rằng, “chạm vào chỗ nào là có sai sót chỗ đó”. “Năm 2011, những tập đoàn lớn đều trốn thuế, có sai phạm cả. Rõ ràng luật pháp của ta chưa nghiêm nên mỗi đồng vốn của nhà nước, thuế của nhân dân giao vào tay các vị thì các vị cho là mớ giấy nên tiêu quá đơn giản”, ông Dũng bày tỏ.
Dẫn lại những buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, đại biểu Dũng cho rằng, những “đại án” tham nhũng xử vào dịp cuối năm nếu không làm quyết liệt thì sẽ làm xói mòn niềm tin của dân, tội phạm sẽ tiếp tục có đất hoành hành hơn nữa.
Chia sẻ với ông Dũng, đại biểu Bùi Mạnh Hùng khẳng định, việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tương xứng thực tế. Ngay trong các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng, việc xử lý còn chậm, kéo dài, nhiều vụ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt nhẹ, nhiều án treo…
“Người đứng đầu chưa quyết liệt, tình hình suy thoái của cán bộ, thể chế kinh tế còn nhiều kẽ hở…. Đây là lỗi của cơ quan phòng chống tham nhũng”, ông Hùng nói.
Đề cập đến các biện pháp phòng chống, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng cơ chế hiện nay chưa tạo động lực để người dân tố giác tham nhũng, nếu trông cậy vào cơ chế phòng ngừa như kê khai tài sản thì không có hiệu quả. “Có những tỉnh, khi xem xét mức độ vi phạm thất thoát tới hàng tỷ đồng vẫn xử lý kỷ luật nội bộ mà không xử lý hình sự, cho thấy xử lý không nghiêm, làm cho lòng dân không yên”, ông Quyền nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Luật thì nêu nghịch lý, người tố cáo tham nhũng tiêu cực thì đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm, áp lực; người không làm gì cả, lờ đi thì lại được đánh giá đạt thành tích cao, quản lý tốt…
Đại diện Bộ Công an, thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng trong 2 năm trở lại đây được quan tâm hơn và đã có chuyển động thực sự. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, tình hình tham nhũng rất phức tạp và cần có tiêu chí để đánh giá thật đúng tình hình, từ đó mới có giải pháp.
“Cơ chế để phòng chống tham nhũng như kê khai tài sản, cơ chế quản lý ngân sách để chủ động phòng ngừa tham nhũng còn có kẽ hở, đây là điều kiện để các hành vi vi phạm xuất hiện. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên trách và quản lý chưa phát huy được vai trò của mình, như có nhiều cơ quan phòng chống tham nhũng song chưa thực sự hiệu quả”, ông Tuyến cho hay.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội thì yêu cầu cần có chế tài đối với lãnh đạo khi để cán bộ viên chức trong cơ quan vi phạm hành chính, phạm tội hay tham nhũng.
Bày tỏ sự bức xúc đối với vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói: “Chúng tôi không hiểu tại sao lại khó kiểm tra trách nhiệm. Trong thời gian qua anh đã làm gì, đã thanh tra kiểm tra chưa? Trong thanh tra đã phát hiện vụ việc nào chưa? Quản lý nhà nước là làm từng ngày, từng tháng, từng năm chứ không phải theo phong trào. Phải quy trách nhiệm cụ thể, nếu giám đốc sở y tế chỉ đạo thanh tra kiểm tra với các cơ sở y tế rồi thì đã thấy gì, các bộ phận thanh tra có phát hiện ra không? Nếu không phát hiện ra thì là do năng lực yếu kém, hai là bảo kê, ăn tiền, bỏ qua. Tất cả cái đó phải làm rõ”. |
Nguyễn Hưng - Đoàn Loan