Ngày 17/9, đại diện TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao cùng Bộ Công an, Tư pháp đã trình bày báo cáo thực hiện nghị quyết 37 của Quốc hội (về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013).
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, so với 2012, kết quả phát hiện, xử lý tội phạm chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm tài chính ngân hàng chậm phát hiện, chưa có giải pháp ngăn chặn các hoạt động kiểu xã hội đen, tội phạm ma túy vẫn còn nhiều... Việc phát hiện sai phạm qua tự kiểm tra, thanh tra trong các cơ quan còn thấp.
Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng địa phương không phòng ngừa, thiếu quan tâm tới thực trạng trộm cắp trong dân nên dẫn đến nhiều trường hợp người dân tự phát xử lý, gây hậu quả đáng tiếc. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thẳng thắn chỉ ra hàng loạt nguyên nhân liên quan tới con người, trong đó, "một bộ phận cán bộ có chức quyền có biểu hiện bảo kê, vụ lợi".
Nhiều năm theo dõi tình hình an ninh, trật tự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị nhìn nhận, đánh giá sâu hơn về tình trạng các băng nhóm tội pham ở ngay trung tâm đô thị lớn. “Đầu năm nay, ở TP HCM, nhiều băng cướp lộng hành ngang nhiên khiến Bộ Công an phải điều các lực lượng vào. Rồi các vụ bảo kê đánh bạc ở Bắc Ninh, Hòa Bình… hoặc một số vụ liên quan tới dân tộc, tôn giáo mà ở cơ sở thường không giải quyết được, dù cũng có đủ bộ máy”, ông Khoa nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì cho rằng, tình trạng bảo kê "thậm chí xảy ra ngay bên cạnh cơ quan chức năng" như: tụ điểm hoạt động mại dâm, ma túy, xây nhà trái phép cạnh trụ sở UBND, công an. Chỉ đến khi cơ quan cấp trên vào cuộc mới vỡ ra.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật: "Thời gian qua có hiện tượng Thủ tướng, Phó thủ tướng phải yêu cầu các địa phương báo cáo về các vụ việc nhiều quá. Tại sao khi có yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ hay Bộ Công an vào cuộc thì nhân dân mới yên tâm, còn để ở địa phương xử lý thì cử tri cho là chìm xuồng, bao che? Cử tri đặt ra vấn đề tại sao lại như vậy và chúng tôi cho là phải làm rõ". |
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu “tình trạng không hành động và thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương”. Đơn cử, vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa đáng lẽ có thể khởi tố bắt tạm giam giám đốc để điều tra "nhưng cứ dùng dằng mãi". Còn đối với án tham nhũng được phát hiện, ông nhận xét, chủ yếu là tham nhũng vặt, hay các vụ án kinh tế không phải được phát hiện bởi công an mà lại qua kiểm toán, thanh tra.
“Trong một phận dân chúng nổi lên hiện tượng tự xử dẫn đến tự thiêu, cầm súng chống lại chính quyền”, ông Đương nói.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, lực lượng công an bây giờ được trang bị hiện đại hơn, cán bộ được đào tạo cơ bản hơn, tướng nhiều hơn nhưng "niềm tin so với cách đây 10-20 năm thì giảm sút". Ông đề nghị đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng công an, tăng cường sự kết hợp của các ngành liên quan.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dù các báo cáo đều nhận định đấu tranh chống tội phạm quyết liệt, có chuyển biến nhưng "thực tế không hề yên ổn". “Nhiều tội ác vô cùng man rợ, vô cùng xuống cấp về đạo đức nhưng không phải lâu lâu mới có mà gần như liên tục. Ngay cả các lĩnh vực giáo dục, y tế rồi trong quan hệ gia đình, nhà trường, bạn bè đều có cả”, Chủ tịch Quốc hội nói. Theo ông, tội phạm năm 2013 có thể giảm về số lượng nhưng lại tăng về mức độ nghiêm trọng.
Sau khi ghi nhận các ý kiến, các báo cáo liên quan tới lĩnh vực này sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.
Theo thống kê, trong năm 2013, lực lượng công an đã triệt phá hàng nghìn băng nhóm xã hội đen, tổ chức đánh bạc; triển khai nhiều chính sách pháp luật phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật… Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu nhắc đến thực trạng trộm chó, người dân tự xử lý. “Tình trạng người dân tự xử lý khiến mạng người giờ không bằng mạng con chó. Thậm chí cha của người trộm chó tới cầu xin cũng không được”, ông Ksor Phước phát biểu. Ông cho rằng, hiện tượng người dân bất chấp luật ngoài vấn đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải nói đến vai trò của cơ quan công quyền không cương quyết, thiếu công minh trong xử lý. Với việc người dân tự hành xử một cách công khai, chưa nói những vụ người ta chống người thi hành công vụ, vị Chủ tịch Hội đồng dân tộc lo ngại đây sẽ là những vụ việc gây phức tạp cho năm 2014. |
Nguyễn Hưng