Trang Global Drug Survey tuần này công bố khảo sát cho thấy trung bình người Australia nhậu khoảng hai tối một tuần và cứ hai tuần thì nhậu tới mức say xỉn một lần. Tần suất nhậu xỉn này tương đương 27 lần một năm, gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 15 lần/năm.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng khoảng 1/4 người Australia được hỏi đều cảm thấy hối hận vì đã say xỉn. Cuộc khảo sát có hơn 32.000 người từ 22 nước tham dự, nhằm đánh giá mức độ tiêu thụ rượu và chất kích thích họ dùng trong năm 2020.
Tỷ lệ người dân Australia cần chăm sóc y tế khẩn cấp do uống rượu là 3,9%, gấp khoảng ba lần so với mức trung bình toàn cầu là 1,2%.
Giám đốc điều hành Quỹ Nghiên cứu và Giáo dục về Rượu Caterina Giorgi đánh giá số liệu từ khảo sát "đáng quan ngại".
"Australia đứng đầu thế giới về cả số người say xỉn lẫn số người cần chăm sóc y tế khẩn cấp do rượu. Hai chỉ số này cho thấy mọi người đang uống rượu ở mức khá nguy hiểm", Giorgi nói.
Giorgi cũng bày tỏ lo ngại khi ngày càng có nhiều người uống rượu say xỉn như cách để giải quyết căng thẳng và lo lắng. "Những thói quen đó rất khó cải thiện khi chúng ta tiếp tục sống trong môi trường chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19", bà nói.
Theo Giorgi, doanh số bán rượu cho người dân năm 2020 tăng 3,3 tỷ USD và tiếp tục tăng năm 2021.
Khảo sát của Global Drug Survey cho thấy ngoài Australia, 9 nước có người dân nhậu xỉn nhất thế giới theo thứ tự giảm dần gồm Đan Mạch, Phần Lan, Mỹ, Anh, Canada, Ireland, Pháp, Thụy Điển và Hà Lan. Khảo sát không được tiến hành ở Việt Nam.
Global Drug Survey là một công ty nghiên cứu độc lập có trụ sở ở London, Anh. Công ty tiến hành các khảo sát trực tuyến thường niên bằng 10 thứ tiếng ở hơn 20 quốc gia, với mục tiêu nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia, chất kích thích và chia sẻ thông tin để nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)