Cảnh tượng người làm công ăn lương ngủ lại trên tàu sau một buổi tối ra ngoài ăn chơi thường thấy ở Nhật. Nhưng các nhà chức trách trên đảo Okinawa lại lo lắng về một xu hướng mới đáng lo ngại của những người buồn ngủ sau ăn nhậu.
Cảnh sát địa phương cho hay năm ngoái có 7.000 trường hợp rojo-ne (ngủ đường), hiện tượng được cho là xảy ra nhờ thời tiết ôn hòa ở Okinawa và thói quen "nhậu hết mình" đã có lịch sử hàng trăm năm trên đảo.
Cảnh sát ở Okinawa, tỉnh cực nam của Nhật Bản, cách thủ đô Tokyo khoảng 1.600 km, là lực lượng duy nhất trên cả nước lưu trữ hồ sơ về các vụ ngủ đường.
"Tôi thậm chí còn không biết tới thuật ngữ 'rojo-ne' trước khi tới Okinawa. Tôi cho rằng đây là hiện tượng chỉ có ở Okinawa", Tadataka Miyazawa, cảnh sát trưởng nhậm chức chưa đầy một năm của Okinawa, nói.
Trong đa số các vụ ngủ đường, mọi người được đánh thức trước khi gặp nguy hiểm. Nhưng năm ngoái, trong 7.221 vụ ngủ đường, có16 vụ gặp tai nạn và ba người đã tử vong.
Hạn chế áp đặt lên nền kinh tế đêm của Nhật Bản do Covid-19 không làm giảm xu hướng này. Trong 6 tháng đầu năm nay, cảnh sát Okinawa đã nhận được 2.702 cuộc gọi báo cáo về rojo-ne, bằng cùng kỳ năm ngoái, dù chính quyền yêu cầu người dân không ra ngoài ban đêm.
Người dân địa phương tin rằng thời tiết ấm áp ở Okinawa cùng với awamori, loại rượu gạo độc đáo của đảo thường pha cùng nước và thêm đá, đã thúc đẩy hiện tượng "ngủ đường", hành vi có thể bị phạt tới 50.000 yen (474 USD).
Các chương trình phát thanh và triển lãm ảnh đều cảnh báo về mối nguy của ngủ đường nhưng dường như cũng không thuyết phục được những người thích nhậu nhẹt dừng lại khi vẫn đủ tỉnh táo để về nhà.
Trong một số vụ, cảnh sát phát hiện người say xỉn lấy vỉa hè làm gối, hay tự cởi đồ lót vì nghĩ mình đã về nhà. Trong bối cảnh Nhật Bản đang trải qua một mùa hè nắng nóng gay gắt kỷ lục, chính quyền địa phương tin rằng nạn "ngủ đường" chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tatsuo Oshiro, người đứng đầu bộ phận cảnh sát giao thông của tỉnh, cảnh báo cảnh sát sẽ không nương tay với người vi phạm, kêu gọi người dân tiết chế awamori.
"Đừng hiểu lầm ý tôi, tôi không nói rượu xấu", ông nói. "Nó chỉ xấu khi uống quá ngưỡng".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)