Năm ngoái là một năm thành công với Việt Nam trên cả phương diện đàm phán đa phương và song phương gia nhập WTO, trừ đối tác... Mỹ. Để tỏ rõ thiện chí và quyết tâm gia nhập WTO, ngay từ cuối năm ngoái, phía Việt Nam đã tích cực chuẩn bị một bản chào công phu - được đánh giá là đột phá - để chuyển cho phía Mỹ. Sau đó, tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Hong Kong, hai bên đã thảo luận chi tiết lịch trình những bước đi tiếp theo.
Ngay những ngày đầu năm 2006, Mỹ đã cử một phái đoàn hùng hậu gồm 12 thành viên, trong đó có đại diện của các lĩnh vực mà hai bên đang tập trung giải quyết. Đặc biệt, trong đoàn đàm phán có đến hai trợ lý (tương đương với thứ trưởng) đại diện thương mại Mỹ và hai phó trợ lý. Một chuyện gia đầu ngành của Bộ Thương mại Việt Nam nói rằng các nhân vật đi trong đoàn đàm phán của phía Mỹ lần này là những nhân vật "có thể quyết được".
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Christopher Hill đang ở thăm Việt Nam chiều 15/1 đã nói với báo chí rằng: "Hai bên đều nhận thức được tầm quan trọng của cuộc đàm phán lần này. Việc ngay từ đầu năm Mỹ cử một phái đoàn đàm phán sang Việt Nam cho thấy hai bên đều tranh thủ thời gian và muốn sớm kết thúc đàm phán".
Các nhà quan sát cho rằng chẳng có gì là bi quan khi đàm phán Việt - Mỹ càng vào giai đoạn cuối càng trở nên khó khăn. Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, bà Virginia Foote nói rằng: "Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng thế, càng đến giai đoạn cuối thì các vấn đề còn lại đều gai góc vì những vấn đề dễ dàng đã được giải quyết ở giai đoạn đầu. Đàm phán Việt - Mỹ không phải là ngoại lệ". Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ cho rằng: "Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất thế giới, họ được ví là chiếc xe lu "ủi" toàn bộ chướng ngại vật trên sân chơi WTO. Vì vậy, nếu họ là người sau cùng để kết thúc đàm phán, họ càng muốn chứng tỏ mình là một đối tác quyết định".
Các nhà quan sát cho rằng phiên đàm phán này sẽ có đột phá. "Một đoàn đàm phán hùng hậu và nhiều nhân vật có thế lực như thế từ Mỹ sang đây không để ngồi chơi, ít nhất họ cũng đạt được một số thỏa thuận mang tính chất quyết định", một chuyên gia về đàm phán của Việt Nam nhận xét như vậy.
Hai bên đang ở đâu?
Theo các chuyên gia trong cuộc, những vấn đề gay cấn nhất mà hai bên đang tập trung thảo luận là trợ cấp công nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước cùng với thuế và mở cửa thị trường. Về vấn đề mở cửa thị trường và thuế, hiện Mỹ đang xem xét đề nghị mở cửa thị trường Việt Nam cả gói. Ngoài ra, các vấn đề như thương quyền, sở hữu trí tuệ, dịch vụ cũng được hai bên quan tâm. Đặc biệt nhóm dịch vụ có các lĩnh vực gai góc như viễn thông, ngân hàng và bảo hiểm.
Trong lĩnh vực luật pháp, phía Mỹ đánh giá cao chương trình sửa đổi luật pháp năm 2005 đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận và thông qua. Và nếu Việt Nam chưa kịp thông qua từng luật thì sẽ có một hình thức cam kết cả gói.
Quá trình đàm phán của hai bên cũng phức tạp thêm bởi một số thủ tục đặc thù của nền chính trị Mỹ. Hiện nay, hằng năm Mỹ đang gia hạn quy chế thương mại bình thường tạm thời cho Việt Nam và điều này phải được sự chuẩn y của Quốc hội Mỹ sau khi được bên hành pháp yêu cầu. Như vậy, khi Việt Nam và Mỹ ký kết thỏa thuận để Việt Nam gia nhập WTO cũng đồng nghĩa với việc Mỹ phải dành quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam như cho bất kỳ một thành viên WTO nào. Quốc hội Mỹ cũng đóng vai trò trong quá trình này với việc phê chuẩn quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam sau khi phía hành pháp thông báo kết thúc đàm phán. Phát biểu với báo chí tại Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Christopher Hill nói rằng sau khi kết thúc đàm phán hành pháp, Mỹ sẽ ngay lập tức gửi kết quả sang để Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
(Theo Thanh Niên)