Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ, bà Dorothy Dwoskin, tham gia đàm phán tại Hà Nội lần này. (usrbc.org) |
Phiên đàm phán hôm nay chủ yếu ở cấp chuyên viên và được chia thành hai nhóm hàng hoá và dịch vụ. Không khí trong ngày đầu tiên của vòng thương thảo rất bận rộn và tích cực. Nếu như buổi sáng chỉ làm công tác khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Thương mại thì đến buổi chiều, các chuyên viên đã bước vào làm việc chính thức.
Khoảng 16h30, nhóm đàm phán về dịch vụ do ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên, Bộ Thương mại, dẫn đầu đã kết thúc với những dấu hiệu tích cực từ cả hai phía. Một thành viên trong đoàn cho biết, khoảng cách trong lĩnh vực dịch vụ được thu hẹp đáng kể và cơ bản đã hoàn tất. Trong khi đó, nhóm đàm phán về hàng hoá do bà Nguyễn Thị Bích, Vụ Quan hệ quốc tế - Bộ Tài chính, dẫn đầu kéo dài đến tận 18h vẫn chưa kết thúc.Ông Khánh cho biết, đàm phán sẽ còn tiếp tục trong hai ngày tới và có thể chia thành 3-4 nhóm tùy yêu cầu của thực tế. Tham dự vòng đàm phán này có đầy đủ thành viên các bộ ngành của từng lĩnh vực có liên quan, bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp, viễn thông, tài chính...
Tham gia vòng đàm phán lần này tại Hà Nội, phía Mỹ có 2 trợ lý Đại diện Thương mại Dorothy Dwoskin và Barbara Weisel; 2 trợ lý Phó đại diện Thương mại Elena Bryan và Jonathan McHale (phụ trách đàm phán trong mảng viễn thông). Ngoài ra, còn có chuyên viên của các bộ như Thương mại, Nông nghiệp, Công nghiệp, Tài chính, Ngoại giao... |
Trước khi vòng đàm phán lần này diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Dũng cho biết, Mỹ và VN đã thu hẹp được khoảng cách nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, những vấn đề còn lại không nhiều nhưng phức tạp.
Hai bên đang cố gắng đạt được thỏa thuận trong một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm thuế nông nghiệp, viễn thông và trợ cấp xuất khẩu.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Hà Nội (Amcham), với thời hạn cùng khối lượng công việc phải làm để kết thúc vòng Doha, VN sẽ phải đạt được một hiệp định về việc gia nhập WTO chậm nhất là tháng 4. Điều đó có nghĩa nếu không thể kết thúc đàm phán trong năm nay, thời điểm vào WTO của VN sẽ bị lùi sang năm 2008 hoặc 2009.
VN đặt mục tiêu gia nhập WTO vào tháng 12 năm ngoái, tuy nhiên kế hoạch này bị lỡ do chưa kết thúc đàm phán song phương với các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, New Zealand và Australia. Đến nay, Hà Nội đã tiến hành 9 vòng đàm phán với Mỹ về việc VN gia nhập WTO.
Hà Vy