Nhận xét về kết quả của vòng đàm phán lần này, bà Dorothy nhấn mạnh: "Chúng tôi hài lòng với những tiến bộ đã đạt được và tin rằng những buổi làm việc trong tuần này đã tạo ra động lực và năng lượng mới cho quá trình đàm phán".
Trao đổi với báo giới ngay sau cuộc gặp với đoàn đàm phán Mỹ chiều nay, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhận định, tại vòng đàm phán lần này, hai bên đã hết sức cố gắng để rút ngắn tối đa khoảng cách còn lại. Kết quả là những khác biệt đã được thu hẹp rất đáng kể. Tuy nhiên, Bộ trưởng từ chối bình luận về việc đàm phán lần này đã đạt được bao nhiêu phần trăm bởi theo ông, điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người.
Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trong buổi tiếp Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ, bà Dorothy Dwoskin, chiều 18/1. Ảnh: K.G. |
Bộ trưởng cũng cho biết, những lĩnh vực còn lại không phải là nhiều, song đoạn cuối của đàm phán bao giờ cũng rất khó khăn. "Thuế, dịch vụ, thương mại đa phương mỗi vấn đề đều còn một ít. VN sẽ tìm một cách cam kết cả gói nhiều hơn là đi vào các lĩnh vực cụ thể", Bộ trưởng nói.
Theo nguồn tin riêng của VnExpress, tại vòng đàm phán lần này, viễn thông là một trong những mảng được bàn mạnh nhất. Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn nhất ở những vòng đàm phán trước. Bà Dorothy cho biết, lần thương thảo này, hai bên đã phải làm việc rất tích cực để thu hẹp sự khác biệt trong mảng viễn thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm và tham vấn thêm nữa mới đi đến thống nhất.
Trước ý kiến cho rằng, Mỹ đã đưa ra những yêu cầu quá cao với VN và sự ưu tiên của Mỹ dành cho VN không cao như cho Nga hay Ukraina, bà Dorothy nhấn mạnh, Mỹ làm việc tích cực với tất cả các đối tác và không có chuyện ưu tiên nước này hay nước khác. Theo bà, VN muốn vào WTO và đã tiến hành những bước đi quan trọng để thực hiện mục tiêu của mình, vì vậy không có lý do gì để trì hoãn viễn cảnh đó. Mỹ cũng đã cố gắng hết sức để có thể sớm kết thúc đàm phán với VN. Tuy nhiên, thời gian VN vào WTO không chỉ phụ thuộc vào duy nhất Mỹ bởi trong WTO có tới 150 thành viên và Mỹ cũng chỉ là một trong số đó.
Trợ lý Đại diện thương mại Mỹ cũng khẳng định, trong quá trình đàm phán, Mỹ không phải chịu bất kỳ sức ép từ tổ chức nào. Tất nhiên đoàn đàm phán vẫn có sự tham vấn chặt chẽ với Quốc hội Mỹ. "Công việc của chúng tôi là làm sao để có được một thỏa thuận mà cả hai nước ủng hộ".
Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, hiện cả Mỹ và VN đều hạ quyết tâm kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất. "Hai bên sẽ cố gắng để vòng đàm phán tới sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng 3 -đầu tháng 4", ông nói.
Theo bà Dorothy, Mỹ cam kết sẽ hoàn tất việc đàm phán song phương và tiếp tục nắm vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết các vấn đề mang tính đa phương như trợ cấp, thương quyền, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động thương mại của doanh nghiệp Nhà nước.
Nhận xét về tiến trình chuẩn bị luật pháp của VN, bà Dorothy nhấn mạnh: "Chúng tôi đặc biệt được khích lệ bởi sự làm việc tích cực của Quốc hội VN thông qua nhiều đạo luật cần có cho việc gia nhập hệ thống các quy định của WTO và đang xem xét các luật này một cách kỹ lưỡng. Việc trở thành thành viên của WTO cũng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mới được công bố của VN, trong đó có đặt ra chương trình lớn về tăng trưởng kinh tế, cải cách và phát triển".
Trong số những mục tiêu VN đặt ra có việc hội nhập đầy đủ nền kinh tế toàn cầu vào năm 2010, huy động được số vốn 840 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và duy trì mức tăng trưởng cao. "Chúng tôi tin tưởng rằng, những cam kết về cải cách và việc tự do hóa trong quá trình gia nhập WTO là chìa khóa giúp VN đạt được những mục tiêu của mình", bà Dorothy nói. Đồng thời, việc VN vào WTO sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế song phương bằng cách tạo ra những cơ hội thương mại và đầu tư mới cho cả doanh nghiệp VN và Mỹ.
Hà Vy