Đại sứ Michael Marine. |
Đại sứ cho biết, về vấn đề thuế quan, Mỹ và Việt Nam đã hoàn tất đàm phán đối với hàng nghìn dòng thuế. Trong lĩnh vực dịch vụ, hai bên cũng đã thu hẹp được khoảng cách trong dịch vụ viễn thông, tài chính, năng lượng; các lĩnh vực đàm phán đa phương như việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy phép mậu dịch, các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề trợ giá và nền kinh tế phi thị trường. Hiện nay, hai bên đang thảo luận những vấn đề khó khăn nhất nhằm thu hẹp khoảng cách còn lại.
Tại phiên đa phương 10 vừa qua ở Geneva, Thuỵ Sỹ, Mỹ vẫn tỏ ra là đối tác đàm phán khó khăn nhất của Việt Nam và đưa ra nhiều yêu cầu mới. Trước vấn đề này, Đại sứ Michael Marine cho rằng, Mỹ luôn ủng hộ VN sớm gia nhập WTO, song hiện còn một khối lượng rất lớn công việc phải giải quyết. Thêm vào đó, ông cho biết, đàm phán song phương giữa Mỹ và Việt Nam có kết thúc sớm hay không cũng còn phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc thông qua các văn bản pháp luật phù hợp với luật pháp WTO.
Ngoài ra, khi các bước cơ bản đã hoàn tất, phía Mỹ cũng phải đệ trình cả gói vấn đề gồm kết quả đàm phán đa phương, song phương, báo cáo của nhóm chuyên viên, ý kiến của các ngành công nghiệp Mỹ lên Quốc hội Mỹ để bỏ phiếu thông qua việc cho Việt Nam được hưởng tư cách quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ. Mà công việc này, theo Đại sứ Michael Marine, chưa có dấu hiệu sẽ đạt được trong năm 2005 vì Quốc hội Mỹ cũng có nhiều việc khác phải giải quyết.
Khác với những phiên trước, phiên đa phương 10 vừa qua, phía Việt Nam không nhắc lại mục tiêu trước đây liên quan tới việc gia nhập WTO ngay tại thời điểm diễn ra hội nghị Bộ trưởng Hong Kong tháng 12 năm nay, mà chỉ đơn giản cho biết mong muốn sớm kết thúc quá trình đàm phán. Trong diễn văn của mình tại buổi làm việc, trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự tỏ ý thúc giục một số thành viên WTO linh động hơn nữa để có thể đi đến kết thúc đàm phán song phương.
Tại phiên đa phương 10, Thứ trưởng Lương Văn Tự cho biết: "Chúng tôi đã kết thúc đàm phán song phương với Argentina, Brazil, Bulgaria, Canada, Chile, Trung Quốc, Đài Loan, Colombia, Cuba, EU, El Salvador, Iceland, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nauy, Paraguay, Singapore, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Uruguay. Chúng tôi cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong đàm phán với các đối tác Australia, Honduras, Cộng hòa Dominica, Mexico, New Zealand và Mỹ. Một số đối tác trong những nước còn lại chúng tôi cũng đã đàm phán đến giai đoạn cuối cùng”. |
Thứ trưởng nêu rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh mong muốn các nước thành viên không nên gây thêm áp lực đối với Việt Nam trong việc chấp nhận các điều kiện WTO + hoặc nâng cao các tiêu chuẩn vốn đã quá cao đối với điều kiện nền kinh tế Việt Nam. Nhân dịp này, tôi thiết tha đề nghị các thành viên còn lại (Mỹ, Australia, New Zealand, Mexico, Honduras và Cộng hòa Dominican) xem xét tới khó khăn của Việt Nam, từ đó có những yêu cầu linh hoạt hơn nhằm có thể sớm kết thúc các cuộc thương lượng song phương”.
Các nước ASEAN, Cuba và Ấn Độ cũng yêu cầu các nước thành viên không nên có những đòi hỏi thái quá với Việt Nam. Tuy nhiên, một số đối tác song phương cho rằng vẫn còn một khoảng cách nhất định và họ phải cân nhắc những lợi ích quan trọng của mình mà cho đến nay vẫn chưa được phía Việt Nam đáp ứng.
Tại phiên đa phương này, phía Việt Nam cũng đã đệ trình một số tài liệu để ban công tác xem xét, trong đó có bản trả lời các câu hỏi bổ sung liên quan tới nhiều lĩnh vực mà các thành viên quan tâm, cập nhật thông tin về việc thực thi Hiệp định Trị giá Hải quan, trình bày chi tiết về những luật mới ban hành hoặc mới sửa đổi. Những vấn đề như cấp phép nhập khẩu, hỗ trợ nội địa với nông sản cũng được đề cập tại buổi làm việc này.
Thời điểm diễn ra phiên họp đa phương tiếp theo vẫn chưa được ấn định chính thức. Tuy nhiên riêng đối với Mỹ, trong hai tuần tới, hai bên sẽ xác định thời điểm tiến hành phiên họp song phương tiếp theo.
Nguyên văn phát biểu của Thứ trưởng Lương Văn Tự.
Song Linh - Hà Vy