Trong bản báo cáo mang tên "Hãy làm như tôi nói, chớ làm như tôi làm" vừa công bố, Oxfam chỉ ra rằng vào lúc Việt Nam bắt đầu năm thứ mười của quá trình đàm phán gia nhập WTO, một số thành viên đang rắp tâm sử dụng quyền lực để mở cửa thị trường và bán phá giá nông sản dư thừa. Việt Nam đang bị ép phải đưa ra những cam kết "WTO - cộng" (cao hơn những yêu cầu đối với các thành viên hiện hữu) như là cái giá để được kết nạp. Tuy nhiên, theo Oxfam, điều này có thể làm tổn hại tăng trưởng kinh tế trong tương lai và đe dọa đến công cuộc giảm nghèo của Việt Nam.
Oxfam cho biết, báo cáo dự thảo về việc gia nhập của Việt Nam đã được duyệt lại trong phiên họp đa phương thứ 9 (diễn ra tháng 12/2004), trong đó chứa đựng nhiều bằng chứng là các nước thành viên WTO tiếp tục thúc ép Việt Nam nhất trí với một gói gia nhập "WTO - cộng" toàn diện. Việt Nam không chỉ vật lộn gay go trên đấu trường đa phương, mà còn phải thương thảo dưới nhiều sức ép với từng thành viên.
Các chuyên gia Oxfam khuyến cáo, Việt Nam đang bị khước từ quyền điều tiết nhập khẩu nông sản và điều tiết tình trạng nhập khẩu tăng vọt sau gia nhập, cho dù những điều đó có khả năng phá huỷ sinh kế của hàng chục nghìn gia đình nghèo. Các nước cũng đang đưa ra yêu cầu từ bỏ việc sử dụng hạn ngạch thuế quan và các biện pháp tự vệ đặc biệt trong WTO hiện hành. Đi đôi với yêu cầu mở cửa thị trường, các nước còn đòi Việt Nam từ bỏ trợ cấp xuất khẩu khi gia nhập WTO. Trong khi đó, các trang trại trồng ngô ở Mỹ vẫn được trợ cấp tới 10 tỷ USD mỗi năm, còn nông dân sản xuất đường của EU hằng năm được hỗ trợ ngầm gần 833 triệu euro cho hàng xuất khẩu. Thực tế là các nước phát triển chỉ vừa mới đồng ý bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản theo một khung thời gian còn chưa thoả thuận.
Báo cáo dự thảo về việc gia nhập của Việt Nam cũng đề cập tới việc tiếp cận thị trường phi hạn ngạch sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Tuy nhiên, theo Oxfam, dường như một kịch bản tồi tệ đang chờ đợi ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, các đối tác có thể nhất mực đòi hỏi Việt Nam về một lộ trình 10 năm dễ dỡ bỏ dần hạn ngạch. Mỹ và EU chiếm tới 7% kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng năm của Việt Nam. Năm ngoái, EU đã đồng ý xoá bỏ hạn ngạch, nhưng Mỹ vẫn không khoan nhượng.
Các chuyên gia Oxfam cho biết, cùng với công nghiệp, nông nghiệp, lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tụê của Việt Nam cũng đang bị đòi hỏi rất cao. Thậm chí, những yêu cầu đối với Việt Nam về sở hữu trí tụê còn vượt quá Hiệp định WTO về Các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại.
Theo Oxfam, với những cam kết tự do hoá hết sức rộng rãi mà Việt Nam đã đưa ra trong quá trình thương lượng gia nhập, Việt Nam không nên bị ép buộc phải cam kết hơn nữa khi trở thành thành viên WTO. Với các nhà thương thuyết Việt Nam, Oxfam khuyên rằng đây là lúc cần tập trung vào những gì cần giành được trong tiến trình đàm phán gia nhập, chứ không phải nhân nhượng trước sức ép bên ngoài để chịu thêm những cam kết "WTO - cộng" .
Tại cuộc họp với Ban Công tác WTO hôm 20/5 tới, các bên liên quan sẽ thảo luận và xem xét lại báo cáo dự thảo về những điều kiện gia nhập của Việt Nam. Trước và sau phiên đa phương này, Việt Nam sẽ có các cuộc thương lượng song phương với một số nước. Dự kiến, đợt làm việc tại Geneva sẽ kéo dài khoảng 10 ngày.
Song Linh