Ông Tự cho biết, Việt Nam là một trong 39 quan sát viên của Hội nghị Bộ trưởng WTO, "được quyền phát biểu nhưng không biểu quyết". Ông kể: "Tôi đã phát biểu với tư cách trưởng đoàn Việt Nam và nêu ra 4 điểm chính, trong đó nhấn mạnh các thành viên của WTO không nên đưa ra các yêu cầu vượt quá quy định của WTO đối với các nước đang phát triển, đồng thời đề nghị các nước này tạo thủ tục dễ dàng cho các nước vào sau để WTO thêm sức mạnh".
Cũng tại diễn đàn này, Việt Nam đã trình bày về tiến trình đàm phán của mình, trong đó nhấn mạnh đến việc cải cách hệ thống luật pháp trong nước. Riêng trong năm nay, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi, thông qua 29 luật. Theo ông Tự, các bộ trưởng đánh giá cao công tác cải cách luật pháp của Việt Nam và cho rằng Việt Nam là một trong số ít quốc gia mặc dù chưa gia nhập WTO nhưng đã xây dựng luật dựa trên nền tảng là các quy định của WTO.
Về các hoạt động song phương, bên cạnh việc đàm phán với New Zealand với kết quả là đã kết thúc đàm phán phần hàng hóa tại Hà Nội vào ngày 20/12, đoàn Việt Nam đã gặp Cao ủy Thương mại EU và nhận được sự cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam gia nhập WTO; gặp Phó đại diện Thương mại Mỹ và nhận được thông điệp sẽ sớm có phiên đàm phán song phương với Việt Nam sau khi Việt Nam gửi bản chào mới; gặp Chủ tịch Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO để chuẩn bị cho phiên đàm phán đa phương mới. Tuy nhiên, ông Tự không cho biết khi nào các phiên đàm phán song phương cũng như đa phương tiếp theo được tổ chức.
"Đại diện các nước mà tôi tiếp xúc tại Hong Kong không thất vọng trước việc mục tiêu gia nhập WTO năm 2005 của chúng ta không đạt được", ông Tự nói. Theo ông, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy nhận xét rằng: "Vấn đề của Việt Nam còn ít thôi".
Thúc đẩy đàm phán song phương
Để gia nhập WTO, Việt Nam phải kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, Australia, New Zealand và một số nước Mỹ Latin, trong đó ba nước trên là những đối tác quan trọng và có tiếng nói quyết định.
Thứ trưởng Lương Văn Tự cho biết không có chuyện giữa Việt Nam và Mỹ không hiểu rõ mong muốn của nhau trong đàm phán, hay không nhìn ra điểm kết thúc mà hai bên sẽ tiến đến, nhưng có những yêu cầu mà nếu cam kết Việt Nam cũng không thể thực thi được. "Chúng ta rất mong các nước còn lại hiểu được thực tế những gì đang diễn ra tại Việt Nam để có những linh hoạt trong đàm phán và sớm kết thúc".
Tuy nhiên theo ông Tự, càng về cuối vấn đề càng trở nên khó khăn, phức tạp và đều là những vấn đề mang tính nhạy cảm cao cho các bên. Ông than phiền rằng nhiều đối tác đã đưa ra những yêu cầu quá cao so với sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam mặc dù gần đây Việt Nam đã đưa ra bản chào mới ở mức cao hơn cam kết của các nước mới gia nhập có điều kiện kinh tế - xã hội tương đương với Việt Nam.
Đàm phán gia nhập WTO thường dựa vào hai yếu tố: quy định chung của WTO và thiện chí của các đối tác với Việt Nam. "Nếu các đối tác không thiện chí, họ hoàn toàn có quyền đưa ra những điều kiện rất cao và rất khó cho Việt Nam", ông Tự nói.
Gia nhập WTO sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước làm ăn, giúp Việt Nam "cất cánh", nhưng được nhiều hay ít, thậm chí được hay mất phụ thuộc vào sự chuẩn bị trong nước, trong đó có sự kết hợp giữa các cơ quan nhà nước đi đàm phán với các doanh nghiệp.
Nhưng trong nhiều trường hợp, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong đàm phán và giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp không được như mong đợi. Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển từng phát biểu, mỗi cơ quan nhà nước đi đàm phán với một phương án khác nhau mà bản thân trưởng đoàn đàm phán nhiều khi cũng không biết hết. Vì vậy cũng dễ hiểu có nhiều ngành tưởng là có lợi thế khi hội nhập nhưng khi được mở cửa lại phát triển không tương xứng với tiềm năng.
Chẳng hạn như trước đây có người cho rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ tăng tốc khi EU bỏ hạn ngạch cho Việt Nam, nhưng thực tế năm 2005 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào EU chỉ tăng khoảng 3-4% trong khi ngành dệt may toàn cầu tăng mạnh. "Rõ ràng sự chuẩn bị của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là chưa đầy đủ và kết quả là không gặt hái được nhiều lợi ích khi thị trường mở cửa", ông Tự nói thêm.
Với lập luận như vậy, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam cho rằng, thật ra lùi thời điểm gia nhập WTO vào cuối 2005 như dự kiến trước đây sang 2006 hay sau đó không quan trọng bằng việc trong nước phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là việc cải cách hệ thống luật pháp.
Theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Hong Kong, từ nay, các nước vừa gia nhập và đang đàm phán để gia nhập phải chấp nhận nguyên tắc bỏ trợ cấp xuất khẩu ngay từ khi gia nhập và nói chung, "càng vào muộn, càng bất lợi".
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)