Các đối tác hy vọng có thể chào đón Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng WTO ở Hong Kong tháng 12 năm nay. |
Trao đổi với VnExpress sớm nay, một quan chức trong đoàn đàm phán cho biết, vòng đàm phán song phương tại Geneva sẽ bắt đầu từ sáng nay với đối tác đầu tiên là Columbia. Các cuộc gặp gỡ tiếp theo sẽ tiến hành với Canada, Ấn Độ, Iceland, Nhật Bản và Australia.
"Đoàn đàm phán lên đường tới Thụy Sĩ với quyết tâm đạt được những bước tiến mạnh mẽ hơn để có thể sớm đi đến kết thúc với các đối tác. Cả 6 nước sẽ tiếp xúc lần này đều đã gặp mình trước đó, đã bàn bạc một số vấn đề cụ thể và lần gặp lại này sẽ thông báo cho nhau ý kiến chính thức từ chính phủ của mình. Đoàn Việt Nam cũng chuẩn bị những phương án mới để bàn bạc với bạn", vị quan chức trên nói. Giới quan sát đang hy vọng, Việt Nam có thể đi đến kết thúc với một số đối tác ngay tại vòng đàm phán ở Geneva này.
Còn với New Zealand, đây là lần gặp thứ 2 tại Hà Nội. Nếu kể cả những cuộc thương thuyết khác, thời gian gặp gỡ để tìm hiểu và trao đổi quan điểm của nhau không dưới 5 lần. Kim ngạch buôn bán 2 chiều giữa Việt Nam và New Zealand hiện còn khiêm tốn. Tuy nhiên, New Zealand là đối tác quan trọng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp và là một trong những nhà tài trợ lớn của Việt Nam. Vòng đàm phán song phương tại thủ đô hôm 24/2 tới cũng để ngỏ hy vọng sẽ có những bước tiến đáng kể để sớm kết thúc.
New Zealand là một trong những đối tác đầu tiên đưa ra yêu cầu đàm phán với Việt Nam ngay khi bắt đầu phiên đa phương thứ 5 (phiên đầu tiên Việt Nam và Ban công tác WTO đi vào đàm phán về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, năm 2001). Ban đầu, New Zealand đưa ra yêu cầu rộng với hàng trăm nhóm hàng khác nhau, kể cả nông sản, thiết bị và máy móc. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của đối tác này là việc mở cửa thị trường cho mặt hàng sữa, chiếm tới 60-70% kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam. "Trước đây, Việt Nam có ý định áp hạn ngạch thuế quan với sữa nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay trước vòng đàm phán vừa rồi, ta đã chủ động tuyên bố bỏ. Động thái mới này có thể giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán", vị quan chức trong đoàn đàm phán nói.
Riêng vòng đàm phán với Hàn Quốc dịp Tết vừa rồi, 2 bên đã đạt được một số tiến bộ, song khoảng cách vẫn còn lớn, các yêu cầu đưa ra cũng rất lớn và rộng. Hàn Quốc đang xuất siêu sang Việt Nam trên 2 tỷ USD/năm, số lượng nhà đầu tư hoạt động tại đây cũng đông đảo. Bản thân Hàn Quốc là một quốc gia công nghiệp phát triển. Vì vậy, tại cuộc gặp gỡ vừa qua, phía Việt Nam đã đề nghị có những linh động nhất định và chỉ nên tập trung vào những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn. Quan điểm của Việt Nam là nếu mở cửa mạnh với tất cả các mặt hàng, bản thân các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. "Phía bạn đã hứa khi về nước sẽ đưa đề nghị này của Việt Nam để tham vấn ý kiến chính phủ và doanh nghiệp", ông cho biết.
Trong lúc này, Việt Nam đã gửi thư mời đàm phán tới các nước đối tác còn lại và dự kiến có thể tiếp tục gặp lại Nhật Bản vào đầu tháng 3, sau đó là Mỹ và Canada. Với những đối tác đã gặp gỡ trước đó là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam đề nghị sớm có phản hồi về vòng đàm phán vừa qua để có thể tiến hành phiên làm việc mới ngay trong tháng tới.
Sự tất bật của đoàn đàm phán những ngày đầu xuân này đã được dự báo từ trước bởi đến nay, trong số gần 30 đối tác có yêu cầu đàm phán, Việt Nam mới kết thúc được với 6. Đáng chú ý là trong "tứ trụ triều đình", Việt Nam mới hoàn tất đàm phán với EU. Với Mỹ, Nhật Bản và Canada, khoảng cách giữa 2 bên vẫn còn khá xa. Các yêu cầu của Mỹ đưa ra với Việt Nam rất rộng, cả về mở cửa thị trường lẫn cải cách thể chế.
Các yêu cầu Mỹ đưa ra cao hơn nhiều so với Hiệp định Thương mại song phương (BTA). Nếu như BTA chỉ đặt ra vấn đề mở cửa thị trường đối với một số nhóm và phân ngành hàng hóa, dịch vụ nhất định và cũng chỉ đề nghị cắt giảm 300 dòng thuế thì trong đàm phán WTO, có tới hơn 100 phân ngành dịch vụ và xem xét cả biểu thuế hiện hành. Ngoài ra, 2 bên còn phải đàm phán về những nguyên tắc chung mang tính thay đổi về thể chế.
Chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt Mỹ Virginia Foote được giới quan sát hy vọng là sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình đàm phán song phương. Bản thân bà Foote cũng có sự ủng hộ nhất định đối với Việt Nam. Tuy nhiên, những người trong cuộc không dám kỳ vọng nhiều, vì bà cũng chỉ là tiếng nói đại diện cho một cộng đồng doanh nghiệp.
Thử thách tiếp theo với các nhà đàm phán là phiên đa phương thứ 10, dự kiến diễn ra ở Geneva cuối tháng 3 tới. "Theo quy định, để có thể tiến hành phiên 10 vào cuối tháng 3, các yêu cầu của đối tác phải được gửi trước 20/1. Đến nay, mới có câu hỏi và phần bình luận của 8 nước được gửi tới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải quyết tâm hoàn tất các công việc các sớm càng tốt, dù hiểu rằng chuyện đó còn phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác", vị quan chức trong đoàn đàm phán tâm sự.
Song Linh