Ông Felipe Palacios Sureda. |
- Gần đây, Việt Nam đã liên tiếp ký thoả thuận kết thúc đàm phán song phương về gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với các đối tác, trong đó có một số đối tác quan trọng như Nhật Bản, Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này?
- Phải nói rằng, tiến trình đàm phán song phương của Việt Nam trong những tháng gần đây diễn ra căng thẳng, nhưng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, việc kết thúc đàm phán song phương với Trung Quốc có lẽ là sự kiện đáng chú nhất và khá là ngạc nhiên đối với bản thân tôi.
Đây sẽ là những bước tiến quan trọng, góp phần đẩy nhanh giai đoạn chót trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Tuy nhiên, trước mắt Việt Nam còn phải kết thúc đàm phán với Mỹ và các đối tác còn lại, trong đó việc đạt được thoả thuận với Mỹ, New Zealand và Australia sẽ đóng vai trò quyết định.
- Theo lịch trình, Việt Nam phải kết thúc đàm phán song phương với các đối tác cũng như hoàn thành vòng đàm phán đa phương thứ 10 trước ngày 15/9 thì mới có thể đạt được mục tiêu gia nhập WTO vào cuối năm nay. Ông có cho rằng, đây có thể sẽ là một cái cớ khá hợp lý để một số đối tác còn lại đưa ra những đòi hỏi cao hơn?
- Có một thực tế rõ ràng là, rất nhiều trong số 28 nước yêu cầu đàm phán song phương đang mong muốn Việt Nam sớm kết thúc đàm phán với Mỹ. Lý do là vì họ trông chờ khi một số đối tác chính, như Mỹ, kết thúc đàm phán với Việt Nam thì họ có thể đòi hỏi thêm được một chút nữa.
Đây thực ra là một thủ thuật trong đàm phán. Nhưng theo tôi hiểu thì tất cả nội dung chính đều đã được thoả thuận với các đối tác chính và về cơ bản là đã kết thúc rồi.
- Ông nhận định thế nào về diễn tiến vòng đàm phán song phương lần này giữa Việt Nam và Mỹ, liệu mọi sự sẽ diễn ra suôn sẻ như dự kiến?
- Bản chất và mục đích cuối cùng của đàm phán là được tiếp cận với các ngành nghề, các lĩnh vực của đối tác với mức độ lớn hơn và lớn nhất trong khả năng có thể. Đó là nguyên tắc của mọi cuộc đàm phán. Mọi đối tác đều cố gắng tìm cách để có được lợi thế và kết quả tốt nhất cho mình. Mỹ hay bất cứ đối tác nào khác đều trông đợi có thể có thêm những nhân nhượng lớn vào phút chót.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, đàm phán song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã thu hẹp được một khoảng cách rất lớn rồi. Và khoảng cách đã được thu hẹp đó giờ đây có thể được sử dụng để đi đến một thoả hiệp cho việc gia nhập WTO của Việt Nam một cách có lợi nhất cho cả hai bên.
- Hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng, việc kết thúc đàm phán phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của các đối tác. Điều đó bao hàm việc các đối tác cần có cái nhìn công bằng hơn khi đưa ra các đòi hỏi đối với Việt Nam. Ông nhận xét gì về quan điểm này?
- Trong đàm phán song phương với Việt Nam, một vấn đề đã rõ ràng là Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển.
Tất nhiên, trong mọi văn bản về đàm phán đều lưu ý điều này, nhiều thành viên WTO là các quốc gia phát triển cũng như bản thân EU đều tính đến khía cạnh này. Chúng tôi cũng hiểu rằng, một số lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm của Việt Nam, như nông nghiệp, cũng cần được bảo hộ.
Tuy nhiên, 149 thành viên của WTO có những cách lý giải, cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, Việt Nam phải hy sinh một số ngành để gia nhập WTO, tuy nhiên tôi không đồng ý với quan điểm đó. Điều quan trọng nhất là Việt Nam cần phải điều chỉnh nền kinh tế của chính mình để có thể tham gia và trở thành một phần của nền kinh tế thế giới. Việc điều chỉnh này bao gồm cả các lĩnh vực về luật pháp và cạnh tranh.
Nói chung, tất cả những điều chỉnh này đều tốt đối với Việt Nam, vì chúng đều làm cho nền kinh tế của Việt Nam trở nên tốt hơn và cạnh tranh hơn.
- Theo ông, ngoài yêu cầu kết thúc đàm phán thì Việt Nam còn phải làm những gì để có thể hoàn tất khối lượng công việc bề bộn còn lại?
- Một trong những việc quan trọng nhất cần làm bây giờ là đáp ứng các yêu cầu về mặt pháp luật để làm sao các cam kết về gia nhập WTO phải được luật pháp thông qua. Nói cách khác, hệ thống luật pháp phải được sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với việc thực hiện các cam kết này.
Tôi được biết, Quốc hội Việt Nam đã phải họp nhiều phiên bổ sung để thông qua một loạt luật theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết này. Có thể, Quốc hội Việt Nam sẽ phải làm việc nhiều hơn nữa vào tháng 10 tới khi phiên họp đa phương kết thúc.
(Theo Đầu Tư)