Theo yêu cầu của phía Mỹ, Việt Nam nên hủy bỏ quyết định số 55 về chiến lược tăng tốc ngành dệt may, mà Mỹ cho rằng 4 tỷ đồng trong chương trình này là khoản tiền trợ cấp của chính phủ. Việc nhập khẩu ôtô, linh kiện phụ tùng ôtô và xe máy phân khối lớn vào thị trường Việt Nam cũng được phía Mỹ đặc biệt nhấn mạnh.
Phía Mỹ cũng tiếp tục đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa thị trường thịt bò và các sản phẩm thịt bò, yêu cầu VN bỏ thuế đặc biệt đối với các loại rượu mạnh, đòi VN phải mở cửa hơn nữa lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS). Vấn đề nhập khẩu các ấn phẩm văn hóa, phim ảnh, xuất bản vào thị trường VN cũng được phía Mỹ nêu ra.
20h30 tối qua (theo giờ Hà Nội), đoàn đàm phán Việt Nam rời khách sạn đến trụ sở Bộ Thương mại Mỹ và bắt đầu ngày đàm phán cuối cùng. Không khí của các cuộc đàm phán của hai bên được thông báo là rất cởi mở và thẳng thắn, hai bên cũng tỏ quyết tâm rất cao, đặt lên bàn tất cả các vấn đề còn lại để thảo luận. Ông Nguyễn Duy Khiên, tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết phiên đàm phán có thể kéo dài đến 10h sáng 12/5.
Hôm qua, Liên minh ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và hưởng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn, được thành lập trước cuộc đàm phán, cho biết đã có hơn 90 nghiệp đoàn, hiệp hội, tập đoàn, công ty Mỹ tham gia vào liên minh.
Để chính thức gia nhập WTO, VN sẽ cần hoàn thành báo cáo gia nhập, bắt tay vào dự thảo nghị định thư gia nhập trình Chủ tịch nước (hoặc Quốc hội) phê chuẩn.
(Theo TTXVN, Thanh Niên, Tuổi Trẻ)