Vòng đàm phán mới bắt đầu từ ngày 28 đến 31/7 tại Hawaii (Mỹ) với sự tham gia của Bộ trưởng Thương mại 12 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đoàn đàm phán Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Các vòng đàm phán trước gặp nhiều bế tắc, song lần này giới phân tích kỳ vọng tiến triển khả quan hơn và coi đây là cơ hội cuối cùng để các bên tiến tới thỏa thuận. Nếu lỡ cơ hội này, các nước sẽ phải chờ đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2017 mới có thể ký được TPP. Khi ấy, tình hình có thể sẽ thay đổi.
TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra trong hiệp định gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, cuối cùng là quy trình xử lý tranh chấp. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và được dự báo bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Các cuộc đàm phán TPP trước nay vẫn bế tắc bởi nhiều vấn đề, như thuốc ăn theo (generic drug - loại thuốc được sản xuất sao chép khi các thuốc bản quyền hết hạn), trợ giá nông nghiệp và xuất khẩu sản phẩm từ sữa. Bên cạnh đó là bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản về vấn đề mở cửa thị trường nông sản và ôtô.
Kỳ vọng hoàn tất thỏa thuận trong năm nay tăng lên khi sau 6 tuần tranh cãi, Quốc hội Mỹ tháng trước đã chính thức thông qua Quyền đàm phán nhanh (TPA). Việc này sẽ giúp Tổng thống Mỹ - Barrack Obama xúc tiến đàm phán với 11 quốc gia còn lại trong TPP.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Malaysia và Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi.
Trong khi đó, những nước không tham gia TPP sẽ chịu thiệt hại do giao thương chuyển hướng, nhất là Trung Quốc. Xuất khẩu của nước này sẽ giảm 1,2% vì TPP.
Hà Thu (theo CNBC)