Những cảnh quay được ghi lại hôm 23/7 cho thấy phá Corfo rộng 10 - 15 ha ở miền nam Argentina, cách thủ đô Buenos Aires khoảng 1.400 km, đã chuyển sang màu hồng đậm, dấy lên báo động về tình trạng ô nhiễm trong khu vực. Nguyên nhân được xác định là do chất thải đổ ra từ một khu công nghiệp ở thành phố biển Trelew, thuộc tỉnh Chubut.
"Màu sắc là do chất bảo quản natri sulfit, một chất kháng khuẩn từng gây ô nhiễm sông Chubut và nguồn nước của các thành phố lân cận. Nó nên được xử lý trước khi thải ra môi trường", nhà virus học Federico Restrepo, một chuyên gia người Colombia đang sống và làm việc tại Argentina, nói với AFP.
Chubut là một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, đánh bắt thủy sản và du lịch sinh thái, trong đó có vùng Puerto Madryn nổi tiếng với hoạt động ngắm cá voi và chim cánh cụt Punta Tombo. Bởi vậy, ô nhiễm nước là một mối quan tâm lớn.
"Nước chuyển màu hồng không gây ra thiệt hại và trong vài ngày tới nó sẽ biến mất", Juan Micheloud, người đứng đầu Bộ phận Kiểm soát Môi trường của tỉnh, trấn an người dân. "Đã có thỏa thuận cho phép một công ty vận chuyển nước thải từ các khu công nghiệp thủy sản đổ vào phá Corfo".
Tuy nhiên, tuyên bố này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người dân và chính quyền địa phương. Bí thư thành phố Trelew Sebastián de la Vallina nhấn mạnh rằng đây là "sự việc nghiêm trọng và không thể xem nhẹ như vậy".
Hiện nay, hàng chục công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt cá ở vùng biển thuộc chủ quyền của Argentina trên Đại Tây Dương. Những cộng đồng sống gần đó đã báo cáo về mùi hôi thối và sự sinh sôi của côn trùng, cùng những thiệt hại khác đối với môi trường do các khu công nghiệp này gây ra.
Đoàn Dương (Theo AFP)