Thanh Đảo đang trải qua đợt ô nhiễm tảo tồi tệ nhất trong lịch sử với hơn 1.700 km2 diện tích biển ven bờ bị ảnh hưởng. Hiện tượng còn được gọi là "thủy triều xanh" hay "tảo nở hoa" gây ra bởi sự sinh sôi nảy nở quá mức của tảo lục.
Loại tảo này thường phát triển mạnh từ cuối mùa xuân và kéo dài khoảng 3 - 4 tháng, gây tổn hại đến hệ sinh thái biển địa phương vì chúng lấy oxy từ các sinh vật khác, đồng thời giải phóng mùi và chất độc hại trong quá trình phân hủy. Tảo lục đã xuất hiện ở Thanh Đảo từ 15 năm trước nhưng đợt bùng phát này là mạnh bất thường.
Chỉ trong tuần trước, chính quyền thành phố đã điều động hơn 12.000 tàu để thu gom khoảng 450.000 tấn tảo, China News hôm 19/7 đưa tin. Các chuyên gia từ Viện Đại dương học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (IOCAS) ước tính rằng sẽ có hơn một triệu tấn tảo nữa được loại bỏ khỏi vùng biển trong thời gian tới.
Theo nhà nghiên cứu Yu Rencheng từ IOCAS, tảo trôi nổi ở Thanh Đảo chủ yếu đến từ bãi cạn Subei, một khu vực nước nông ngoài khơi phía bắc tỉnh Giang Tô. Bên cạnh yếu tố nhiệt độ tăng cao, việc nuôi trồng rong biển thâm canh ở khu vực gần đó cũng góp phần vào sự bùng phát của tảo lục, khi làm gia tăng các chất hữu cơ như nitơ và phốt pho từ phân bón.
Từ năm 2006, chính quyền trung ương Trung Quốc đã phối hợp với tỉnh Sơn Đông và Giang Tô để phát động chiến dịch chống lại hiện tượng tảo nở hoa. Chỉ trong hai năm 2018 và 2019, khoảng 1,99 tỷ nhân dân tệ (307,24 triệu USD) đã được chi ra để bảo vệ môi trường biển.
"Quy mô của thủy triều xanh từng thu hẹp ở một mức độ nhất định trong một vài năm nhờ nỗ lực kiểm soát nguồn nước ở phía bắc Giang Tô. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn rất khó giải quyết triệt để", Yu chia sẻ.
Đoàn Dương (Theo Reuters)