Đầu tiên, hãy xem tình huống đang khiến nhiều người quan tâm này. May mắn là trong tình huống này cả hai người đều đã nhìn nhận sự việc một cách tích cực, nhẹ nhàng, và có một cái kết đẹp. Nhưng nếu những tình huống điển hình kiểu này mà xảy ra tranh luận ai đúng sai, thì liệu mọi việc sẽ được hiểu như thế nào?
Đầu tiên người đi xe máy đã sai hoàn toàn vì chuyển làn bất ngờ, không có tín hiệu báo trước, chuyển hướng ở vạch nét liền, dừng xe trên cầu. Người đi ô tô, vẫn có thể bị quy kết lỗi không giữ khoảng cách an toàn. Vì sao lại vậy?
Giống như những tình huống va chạm bất ngờ khác từ trước tới nay, như vụ đi lùi trên cao tốc Thái Nguyên của tài xế Hoàng, hay xe tải vò nát xe con trên đường vành đai 3, Hà Nội. Hầu hết mọi người cho rằng anh Hoàng không có tội, nhưng toà án lại xử tù. Và cũng đa số độc giả trách tài xế lùi xe ở vành đai 3, nhưng không ít ý kiến nhận định rõ ràng rằng tài xế xe tải nhiều khả năng mất tập trung, mới không thể xử lý tình huống.
Theo tôi vụ này cũng vậy, có thể tài xế ôtô cũng bị quy kết là "không giữ khoảng cách an toàn" nếu cần sự phân định của các cơ quan chức năng. Tôi thấy cũng có phần đúng, dù về tình, rất thông cảm cho tài xế ôtô. Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định "Người điều khiển phương tiện cần chú ý một số trường hợp phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn như có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi...". Trong tình huống này, người đi xe máy đúng là một chướng ngại vật, dù "từ trên trời rơi xuống".
Nếu tài xế cho xe chạy chậm hơn một chút, nhìn ra xa một chút thì có thể đã xử lý đượ tình huống, dù thực tế là khá khó xảy ra. Phân tích như vậy, nhưng tôi không mong mọi việc phải giải quyết bằng cách căng thẳng, mà cứ đầy nhân văn như hai nhân vật trong video thì thật đáng trân quý.
Qua đây cũng chúc mọi người ra đường luôn giữ cái đầu lạnh và trái tim nóng, luôn nhớ đi với tốc độ phù hợp. Phù hợp là đủ an toàn, chứ không có nghĩa là cho đi tối đa 60 km/h là mình đi 60 km/h dù đường đông. Bên cạnh đó, hãy luôn quan sát xa, rộng để sẵn sàng xử lý, trong điều kiện giao thông phức tạp như ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Và quan trọng hơn, nếu chẳng may xảy ra va chạm, hãy nghĩ cho nhau, bỏ qua được cái gì thì bỏ qua, để cuộc sống thêm ý nghĩa.
Độc giả Hoàng Tùng
Vấn đề đâm vào xe đi lùi, xe dừng đột ngột, xe chuyển làn bất ngờ có vi phạm luật giao thông hay không, luật sư Đặng Thành Chung, đoàn luật sư thành phố Hà Nội giải thích đó là vi phạm. Theo ông Chung, tại Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, có quy định "Người điều khiển phương tiện cần chú ý một số trường hợp phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn như có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi... Xe đi lùi, xe dừng đột ngột hay xe bất ngờ chuyển làn là những "chướng ngại vật" như vậy. Vì vậy, theo luật sư, nếu hai bên không hòa giải dân sự, cần có sự can thiệp của cơ quan hữu trách thì lý lẽ này sẽ được áp dụng. Tuy vậy, phần lớn độc giả (91%) không đồng tính với cách giải thích này. Xem chi tiết ở đây. |