Những người nhận được thiệp báo hỉ nhưng không được mời tiệc thường đăng báo chúc mừng nội dung đại khái là: Được tin ông bà... làm lễ thành hôn cho... , chúng tôi xin chúc mừng và chúc tân lang tân nương trăm năm hạnh phúc". Còn gia đình họ hàng thì gửi quà mừng, luôn luôn là trước ngày cưới. Tôi nhớ có bà bác, chị ruột mẹ tôi mừng mấy cái nồi nhôm mẹ tôi vẫn dùng mãi. Tới thời của tôi thì cũng phải lựa chọn khách mời.
Đám cưới xưa chú rể thường rước cô dâu bằng xe đạp. |
Bây giờ thì không biết thực sự người ta có thật lòng muốn dự đám cưới không, ai cũng nói với bạn bè, người quen, đối tác... là khi nào cưới nhớ mời. Còn mình thì đi đâu cũng được hỏi địa chỉ hay cách liên lạc để mời cưới. Chị bạn vừa chuyển cơ quan còn chưa quen biết hết đã được gửi thiệp ngay cả từ người chưa gặp bao giờ, mà mỗi ngày tốt thì tới 4, 5 cái. Gia đình thấy thế nói: Ai bảo trông bà sang thế, chắc là sẽ đi sộp nên người ta mới mời đấy.
Khổ nỗi thời nay không đi tiệc cũng phải gửi tiền mừng, ít ra cũng 70- 80 % nếu đi dự. Gặp ai làm cơ quan có đông nhân viên thì không phải sợ nữa mà là hãi hùng. Mời nhiều nên không biết ai đi ai không, cô dâu chú rể vừa chào bàn vừa tính xem có lỗ không nếu nhiều bàn trống. Nhưng theo cách tính ngày nay thì thường chỉ hòa đến lời, trường hợp cha mẹ đương chức đương quyền thì càng lời to. Chỉ có người được mời tính thế nào cũng lỗ. Đó là nói về chi phí đãi tiệc thôi, còn nếu tính chung cả các chi phí áo cưới, ảnh , xe cộ..., nếu thích hoành tráng thì phải tính toán, sao lại tính vào người được mời chứ?
Xe đắt tiền phục vụ đám cưới thời nay. |
Có câu "Phú quý sinh lễ nghĩa" nhưng thiết nghĩ ngày nay phải nói "Sĩ diện sinh thực dụng" thì đúng hơn. Nói thật, tôi chẳng thấy mất mặt hay buồn phiền khi không nhận được lời mời của những họ hàng "đại bác bắn không tới" và những bạn bè, người quen mời mình chỉ để nhắc sự tồn tại của họ tí nào.
Nguyễn Bích Đào