Vợ chồng tôi đang rất vui vẻ, hạnh phúc chuẩn bị kỷ niệm 43 năm ngày cưới "có một không hai", dù chúng tôi đã trải qua một chặng đường khó khăn rất dài.
Xin chia sẻ để các bạn thấy: Hạnh phúc gia đình không nằm ở phần lễ nghĩa "cưới xin" mà nằm trong tay của chính mình.
Ngày 24 tháng Chạp năm 1981, lẽ ra đám cưới của vợ chồng tôi diễn ra như bao đám khác. Nhưng mọi người tập trung rồi lại giải tán vì không có chú rể là tôi.
Sáng ngày 25, tức hôm sau hai họ lại tập trung chuẩn bị đón dâu lúc 8h sáng nhưng vẫn không thấy chú rể, mãi tới 10h30 tôi mới xuất hiện với bộ quân phục cũ và chiếc xe đạp không gác chắn bùn còn nguyên cây cọc thồ, ai nhìn cũng phải bật cười. Hai họ thì tái mặt, còn vợ tôi khi ấy chỉ biết khóc trong phòng. Tôi không hay biết.
Sau một hồi trao đổi, được bố mẹ vợ và họ hàng bên ngoại tha thứ, tới 11h30 vợ đưa tôi chiếc xe đạp thống nhất cũ để đèo nhau về (hai nhà cách nhau 7 km) dù vậy đám cưới vẫn từng bừng náo nhiệt tới 2h chiều mới kết thúc phần nghi lễ. Họ nhà gái ra về với lòng phấn khởi, khác hẳn vẻ bực dọc ban đầu, bạn bè tôi người biết trước biết sau cũng lần lượt đến chung vui, đến 10 ngày sau khi tôi mới hết.
Lý do cho chuyện dở khóc dở cười này là: Thời ấy các phương tiện liên lạc chủ yếu qua thư từ, điện thoại vô cùng khó khăn, tôi đang trong khóa học 5 năm ở đơn vị quân đội tại Bắc Ninh cách nhà hơn 200 km. Mỗi năm nghỉ tết 10 ngày và nghỉ hè 14 ngày, vợ tôi dạy học tại huyện miền núi nên sự kết nối với gia đình càng khó khăn.
Gia đình tưởng tôi nghỉ từ 22 tết theo thư tôi viết về cách đó hai tháng nên xin cưới ngày 24, nhưng do thư gia đình gửi cho tôi tới trường bị thất lạc nên tôi không nhận được, không biết, nên ngày 24 không có chú rể.
Tới 4h sáng ngày 25 tết khi xuống tàu hỏa và đi bộ 25 km xuyên đêm về nhà thấy mọi người đang thắp đèn dầu têm trầu tôi mới biết là cưới.
Vì quá mệt nên sau khi ăn tạm xong tôi chui vào góc nhà ngủ quên, sáng ra mọi người cứ vậy đi đón dâu mà bỏ chú rể lại. mãi khi hai họ nói chuyện xin dâu mới phát hiện, cho người về tìm, tôi cũng chỉ vớ được chiếc xe xấu nhất mọi người bỏ lại để đạp vội cho kịp tới nhà gái.
Vì vậy mới có "đám cưới" cười ra nước mắt trên. Suốt chặng đường 43 năm trải qua bao sóng gió thăng trầm nhiều lúc cái tôi trong mỗi người trỗi dậy, khó khăn áp lực cuộc sống ập đến chúng tôi tưởng không vượt qua nổi nhưng nhờ tình yêu chân thành, bản lĩnh đã giúp vợ chồng tôi vượt qua tất cả xây dựng được cuộc sống hạnh phúc nghĩa tình như hiện nay.
Qua đây tôi thấy rằng đám cưới to hay nhỏ không quan trọng miễn sao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người là tốt nhất. Điều tiên quyết nhất là mỗi người chúng ta phải đủ bản lĩnh thay đổi chính mình và cảm hóa bạn đời cùng điều chỉnh nhau cho phù hợp cuộc sống gia đình mình như mong muốn không nên chạy theo cuộc sống của người khác.
Đám cưới chỉ là bước ngoặt của chặng đường dài Hôn Nhân hãy biến nó thành mốc son đáng ghi nhớ nhất trong đời mình. Đừng để ý nghĩ của ai đó " hôn nhân là địa ngục của tình yêu" ảnh hưởng đến mình.
*Chia sẻ bài viết về chuyện cưới hỏi của bạn tại đây.
Nguyen Huong VT