Giữa năm nay, cặp đôi sống ở New Hampshire, hay đúng hơn là ảnh đại diện kỹ thuật số của họ đã tiến hành hôn lễ trực tuyến. Virbela, hãng chuyên xây dựng môi trường ảo cho các sự kiện, đứng sau đám cưới này.
Hình đại diện của Traci và Dave được đặt trên lối đi. Khách tham dự đám cưới cũng là những nhân vật ảo của một số bạn bè ngoài đời thực, người mang nhẫn cưới, người tổ chức hôn lễ, người tung hoa...
Theo New York, Times, đám cưới ảo trong metavesre được dự đoán phát triển mạnh trong tương lai nhờ vào tính không giới hạn của nó. Dự đoán này càng có căn cứ khi nhiều người phải ở nhà, hạn chế đi lại trong đại dịch, cũng như tầm nhìn về metaverse của các "ông lớn" công nghệ như Meta, Apple, Microsoft...
Vì Covid-19, công nghệ đã được ứng dụng vào đời sống nhiều hơn bao giờ hết. Thời gian qua, không ít đám cưới được tổ chức qua Zoom. Năm ngoái, một cặp đôi tổ chức hôn lễ trong game Animal Crossing, nhưng sau đó phải huỷ bỏ do không hợp pháp.
Theo các chuyên gia, metaverse sẽ đưa các lễ kỷ niệm ảo này tiến xa hơn nhờ khả năng gần như vô hạn về ý tưởng cho các cặp vợ chồng - điều mà đám cưới thực không làm được. "Không có giới hạn nào cả. Bạn có thể không đủ tiền để vào Plaza Hotel ở New York tổ chức đám cưới, nhưng metaverse làm được điều đó", Sandy Hammer, người sáng lập của Allseated, nền tảng tạo ra các công cụ lập kế hoạch kỹ thuật số cho đám cưới, cho biết. "Nếu thực sự muốn làm điều gì đó khác biệt, trong metaverse, sự sáng tạo của bạn sẽ phát huy tác dụng".
Trong đám cưới ảo, số khách mời có thể lên tới hàng trăm nghìn. Quà tặng trên đó chủ yếu là NFT, còn địa điểm có thể ở bất cứ đâu, kể cả ngoài vũ trụ. "Các cặp đôi có thể đưa bạn bè lên tên lửa không gian để tổ chức đám cưới, hưởng tuần trăng mật buổi sáng ở Italy và buổi tối ở Pháp", bà Hammer nói thêm.
Nhà thiết kế Nathalie Cadet-James, chuyên tổ chức đám cưới tại Miami, đang tiếp cận metaverse với tâm trạng phấn khích. "Tôi nghĩ vai trò của tôi sẽ giống một nhà sản xuất hoặc đạo diễn phim hơn trong metaverse", Cadet-James nói. "Tôi có thể tạo một bộ đồ không giống ai, một sàn nhà nở đầy hoa dưới bước chân của cô dâu và chú rể. Tôi cũng sẽ thêm những thứ hay ho và giả tưởng vào đó, thứ mà thế giới thật không bao giờ làm được".
Tất nhiên, các ý tưởng đòi hỏi phải có đội ngũ kỹ sư phần mềm tài năng - những người vốn ít có vai trò và gần như không nằm trong ngân sách của đám cưới truyền thống.
Trở lại với nhà Gagnon, cả hai đã có một đám cưới khá phức tạp. Bà Traci (52 tuổi) và ông Dave (60 tuổi) quen nhau từ năm 2015, cùng làm việc tại nền tảng ảo eXp Realty, thuộc eXp World Holdings - công ty sở hữu Virbela. Các đồng nghiệp của cặp đôi đề nghị "cải tạo" Virbela thành nơi tổ chức đám cưới miễn phí. Theo ước tính, nếu làm đám cưới thật, nhà Gagnon có thể mất hơn 30.000 USD.
Ông bà Gagnons đã gửi hình ảnh của mình cũng như ý tưởng của họ về cách trang trí đám cưới cho nhóm sự kiện và kỹ sư phần mềm Virbela. "Họ lấy váy cưới của tôi và tùy chỉnh, rồi tự tạo ra một chút vầng hào quang hoa cài lên tóc", bà Traci kể.
Patrick Perry, Giám đốc kinh doanh sự kiện và quan hệ đối tác của Virbela, cho biết chi phí tổ chức trong metaverse tùy thuộc vào những gì khách hàng muốn. Tuy nhiên, trong tương lai, dịch vụ có giá từ vài nghìn đến hơn 10.000 USD, tùy theo vật phẩm muốn thêm.
"Khi metaverse được xây dựng, có nhiều nội dung được cài cắm tự động dưới dạng plug-in-play. Các cặp đôi có thể lựa chọn địa điểm được thiết kế trước, hoa, khăn trải bàn, trang phục, âm nhạc giải trí và các yếu tố khác", Perry nói.
Theo bà Hammer, ngày càng có nhiều người quan tâm đến tổ chức đám cưới trong metaverse. Tuy nhiên, hiện đa số muốn kết hợp với đám cưới thực tế để tăng tính trải nghiệm.
Bảo Lâm (theo New York Times)