Với lượng khách tăng đột biến, nhiều công ty tổ chức đám cưới ở Mỹ hiện chỉ nhận đặt lịch cho năm 2022 và 2023. "Trong năm nay, có những này chúng tôi không còn xe đồ ăn nào. Điều này chưa từng xảy ra", Ben Goldberg, đồng sáng lập kiêm chủ tịch New York Food Truck Association, công ty chuyên cung cấp xe đồ ăn tới các sự kiện, cho biết.
"Điện thoại của chúng tôi liên tục đổ chuông. Khách hàng muốn tổ chức đám cưới mà họ đã hoãn do Covid-19", ông này nói thêm.
Khi vaccine đã phổ biến và các địa điểm tổ chức có test nhanh Covid, số khách muốn làm đám cưới lập tức tăng. Ngay cả những đôi tình nhân đã nên vợ nên chồng cũng muốn tổ chức lại đám cưới để mời gia đình, bạn bè đến dự và vô tình cạnh tranh với những người vốn lên kế hoạch kết hôn năm nay.
Namisha Balagopal, 27 tuổi ở Emeryville, California là một trong số các cô dâu "cưới lại".
Namisha gặp Suhaas Prasad năm 2014 và đính hôn tháng 5/2019. Họ dự định làm một đám cưới kiểu Ấn Độ truyền thống kéo dài 5 ngày với 320 khách mời ở Utah vào tháng 8 năm ngoái. Do đại dịch, họ đành hủy bỏ kế hoạch và tổ chức một buổi lễ nhỏ với số khách chưa tới 10 người trên bãi biển nơi chú rể cầu hôn cô dâu.
Năm nay, Namisha quyết bù đắp cho bản thân. Ngày 15/8 tới, cô sẽ tổ chức lại đám cưới ở địa điểm mong muốn với 230 khách. Buổi lễ sẽ kéo dài vài ngày và cô dâu chú rể sẽ thay bảy bộ đồ. Một số thành viên gia đình ở Ấn Độ không thể đến Mỹ song Namisha vẫn cảm thấy háo hức.
"Đám cưới là một phần đặc biệt trong văn hóa của chúng tôi. Nó cũng rất quan trọng với bố mẹ chúng tôi", Namisha bày tỏ.
Maggie Lord, phó chủ tịch chuỗi cửa hàng váy cưới giá rẻ David’s Bridal nhận định mùa cưới năm nay sẽ diễn ra theo cách chưa từng có. "Các đôi tình nhân trở nên rất sáng tạo. Họ sẵn sàng tổ chức vào tối thứ năm hoặc chiều thứ sáu nếu địa điểm mong muốn không trống", Lord nói. Nhờ số liệu do công ty thống kê suốt mùa dịch, bà nhận thấy 90% cô dâu muốn tổ chức ngoài trời bởi có ít hạn chế hơn.
Lord cho biết thêm đại dịch đã bình thường hóa những khía cạnh phi truyền thống của đám cưới. Ví dụ, người ta không còn ưa chuộng món khai vị cầm tay và buffet, khách ở xa sẵn sàng livestream thay vì đến tận nơi, cô dâu - chú rể lên kế hoạch và mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Tirusha Dave là chủ sở hữu kiêm giám đốc điều hành Bravura Brides, công ty cung cấp dịch vụ cưới cho Namisha. Năm 2019, bà tổ chức 10 đám cưới nhưng sang năm 2020 chỉ làm được ba. Năm nay, Tirusha đã được 11 đôi cô dâu - chú rể đặt hàng, dự kiến số khách mỗi đám cưới từ 250 đến 300 người.
Thị trường váy cưới và váy phù dâu cũng sôi động trở lại.
Justin Warshaw, giám đốc điều hành kiêm giám đốc sáng tạo của tập đoàn Justin Alexander Group chuyên về thiết kế, may đo váy cưới cho biết số đơn đặt hàng đầu năm 2021 tăng gần 600% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, 88% trong số hơn 2.200 cửa hàng bán lẻ ở 88 quốc gia thuộc tập đoàn này đã mở cửa trở lại.
Ở thị trường chính là Mỹ, Justin Warshaw còn ghi nhận số khách đặt may riêng tăng 40% so với trước đại dịch. "Nhiều người yêu nhau và đính hôn trong đại dịch và giờ chuẩn bị kết hôn. Với tín hiệu tốt từ việc tiêm vaccine, họ muốn ăn mừng với gia đình và bạn bè và bắt đầu cuộc sống mới của mình", ông nói.
Lord lưu ý, một số nhà cung cấp dịch vụ cưới "đang bù đắp sau một năm không có việc gì" bằng cách tăng giá. Tuy vậy, điều đó không gây mấy trở ngại cho các đôi tình nhân. "Một điều chắc chắn, các cô dâu - chú rể đang đem những đám cưới lớn trở lại. Điều khác biệt chỉ là danh sách khách mời được chọn lọc hơn, không còn cảnh 300 người chen chúc trên một sàn nhảy", Lord nói.
Thu Nguyệt (Theo HuffPost)