Chị Tuyến (33 tuổi, quê Bến Tre) kể, 5 năm về trước gặp anh một lần ở Bến Tre, thấy anh phong độ đẹp trai, diện mạo hiền lành nên chị rất ưng. Sau một thời gian ngắn tìm hiểu, chị quyết định tiến đến hôn nhân, theo chồng về huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng sinh sống. Chồng chị là con trai một trong nhà nên rất được cưng chiều.
![chong-vu-phu-danh-vo-96ba8-jpg-136842259](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/05/13/chong-vu-phu-danh-vo-96ba8-jpg-1368422596.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v2G2Q_J1DM9YYr6kQZQh1Q)
Thời gian đầu lấy nhau, chị rất hạnh phúc vì nghĩ rằng mình may mắn lấy được chồng đẹp trai lại giàu có. Sau đó chị sốc nặng khi phát hiện chồng dính vào cá độ bóng đá, đánh bài, đá gà rồi cặp bồ. Mỗi lần chơi, anh "đốt" vài đến cả trăm triệu đồng vào những thú vui đỏ đen.
“Nhiều lần tôi bồng con về Bến Tre ở mấy tháng trời, chồng về quê tìm rồi năn nỉ, van lơn. Thế là tôi lại mủi lòng và quyết định trở lại nhà chồng sinh sống", chị Tuyến kể.
Ngựa quen đường cũ, chồng vẫn chứng nào tật nấy, có bớt chuyện cặp bồ gái gú nhưng máu cờ bạc, rượu chè không giảm chút nào. Nhiều lần chị Tuyến muốn ly dị để sống cho thanh thản, nhưng thương con nên đành chấp nhận. Chị bảo "Tôi cố gắng chịu đựng thêm một thời gian nữa, nếu anh ấy không thay đổi thì sẽ ly dị".
Chia sẻ cảnh ngộ gia đình chị Tuyến, ông Trần Dương Tuyển, Công ty Tư vấn và Phát triển Kỹ năng Thành Nhân cho rằng, chị là một người mẹ biết yêu thương con và cũng là người phụ nữ giỏi chịu đựng. Chị đã không may mắn khi lấy phải chồng cờ bạc, rượu chè, mê gái. Một ông chồng dính vào “tứ đổ tường”, sống thiếu trách nhiệm với vợ con lại không chung thủy thì nguy cơ tan vỡ gia đình rất dễ xảy ra. Việc chị Tuyến muốn ly dị là điều không thể tránh khỏi, song chị cần phải cân nhắc nhiều về hậu quả tác động đến đứa con, hơn nữa hiện tại có lẽ người chồng sẽ không đồng ý ngay.
Chuyên viên tham vấn cho rằng, chị Tuyến nên chờ thêm thời gian để con gái lớn thêm một chút nữa rồi hãy đưa ra quyết định cuối cùng, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến bé. Trong thời gian này, chị nên tìm cách đối thoại với chồng, nói rõ những sai lầm và tật xấu của chồng, nhẹ nhàng khơi dậy trong anh tình yêu thương vợ con để khuyên sửa đổi. Nếu anh không đồng ý, vẫn chứng nào tật ấy thì không còn cách nào khác là chia tay. Hạnh phúc gia đình chỉ thật sự trọn vẹn khi vợ chồng chung thủy, trách nhiệm, sống trong sự tin tưởng lẫn nhau, nếu những cảm xúc đó đã cạn thì không thể níu kéo được.
Khi quyết định chia tay, chị nên tìm hiểu về thủ tục ly dị cho rõ ràng. Cần có những ràng buộc cụ thể như: Trong thời gian sau khi ly dị, mọi vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào, con cái sẽ theo ai? Chị cũng cần có sự chuẩn bị để bắt đầu lại cuộc đời mới. Hãy xem xét cẩn thận liệu việc ra ở riêng có khiến chị thật sự thanh thản nhẹ nhàng không? Chị nên trò chuyện cởi mở với cha mẹ và những người thân trong gia đình để được tư vấn, đừng vội tự quyết định một mình.
"Hiện tại, để vượt qua nỗi buồn, chị cố gắng dồn tình thương vào đứa con, hãy lo cho bé được ăn uống, học hành đầy đủ. Đó chính là động lực giúp chị vui sống và chờ đợi điều tốt đẹp sẽ xảy đến cho mình", ông Tuyển khuyên.
Cũng chung cảnh ngộ có chồng vừa ham nhậu lại lười biếng và vũ phu, chị Trương Thị Thúy (42 tuổi, quê Tiền Giang) bảo: "Cuộc sống bây giờ với tôi chẳng khác gì hỏa ngục". Vợ chồng chị đã có hai con đủ nếp tẻ. Các cháu phải nghỉ học sớm vì không có tiền đóng học phí. Gia đình chỉ có mấy sào ruộng, chồng chị phải đi làm mướn kiếm thêm nhưng bữa đực bữa cái, còn chị ở nhà lo chuyện bếp núc, may vá, thu nhập đủ ăn.
“Chồng người ta thì chịu thương chịu khóc còn chồng mình suốt ngày nhậu nhẹt, không chịu đi làm. Mỗi lần đi nhậu về lại chửi mắng, đánh đập vợ. Nhà không có tiền, hai đứa con tôi phải nghỉ học sớm. Tôi buồn hết sức”, bà mẹ trẻ tâm sự trong lúc vá chiếc áo cũ cho đứa con.
Đã có lần chị Thúy bỏ chồng và hai con lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề tiếp viên quán cà phê. Cuộc sống chốn thị thành lắm cạm bẫy, lại sống cảnh xa chồng con thiếu thốn tình cảm nên chị nhanh chóng ngả vào lòng của những chàng trai dẻo miệng. “Vì giận chồng, tôi bất chấp tất cả, làm gì cũng được. Quen nhiều bạn trai cho thỏa thích, tội gì sống cô đơn”, người mẹ trẻ nói vẻ bất cần.
Những mối quan hệ ngoài luồng ấy cũng kết thúc chóng vánh như cách nó đến vậy. Bồ bịch hết anh này đến anh nọ, cuối cùng chị Thúy vẫn thui thủi một mình bởi "Đời nào đàn ông họ chịu cưới một cô tiếp viên cà phê đã bỏ chồng". Mới đây anh chồng cũng tìm đến chỗ Thúy làm để năn nỉ chị về nhà. Anh bảo hai đứa con do thiếu sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ đã sinh tật trộm cắp vặt nên mong chị về để đoàn tụ gia đình.
Chia sẻ trường hợp của chị Thúy, chuyên viên tham vấn Trần Dương Tuyển cho rằng để xảy ra những điều đáng tiếc trên, cả chị Thúy, người chồng và các con đều có lỗi. Chồng chị có lỗi vì sống thiếu sự quan tâm và trách nhiệm đối với vợ con. Chị có lỗi khi bỏ lên Sài Gòn, sống buông thả với những cuộc tình chóng qua, không quan tâm chăm sóc con cái ăn học. Con cái có lỗi vì vướng vào tệ nạn trộm cắp. Tật xấu này bị xã hội và nhiều người lên án, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của gia đình anh chị. Theo ông Tuyển, có một số việc mà chị Thúy cần làm lúc này là thẳng thắn trao đổi với chồng. Khi anh ấy đi tìm chị tức là vẫn còn yêu vợ và anh phần nào hối hận về thói xấu của mình. Lúc này chị cần trò chuyện để khuyên không được tái sa đà vào rượu chè, bỏ bê công ăn việc làm nữa.
Thói quen dính vào rượu chè khó bỏ, nhưng không phải là không bỏ được. Chỉ cần chồng chị tập trung lo làm ăn thì sẽ không có nhiều thời gian để rượu chè be bét nữa. Nếu có uống thì chỉ trong những dịp đám tiệc, ngày nghỉ, nhưng chỉ để xả giao vài ly cho vui. Nguyên nhân chính khiến chồng chị sa đà vào rượu chè có lẽ là do không tập trung đi làm, ông bà ta thường nói “nhàn cư vi bất thiện” nên điều cần nhất hiện tại là anh phải có một công việc ổn định. Hãy cho anh ấy một cơ hội sửa đổi và chí thú làm ăn để lo cho gia đình.
Theo ông Tuyển, có thể thông cảm việc chị Thúy bỏ quê lên Sài Gòn kiếm sống nhưng dù sao chị cũng có lỗi khi ngoại tình và thiếu trách nhiệm với con cái. Trong cuộc đời ai cũng có những sai lầm. Điều quan trọng là cần biết đứng lên và rút kinh nghiệm sau những sai lầm ấy. "Vì vậy, tôi ủng hộ quyết định trở về quê của chị để sống với chồng con. Chị có nghề may thì nên tiếp tục. Đừng mặc cảm lỗi lầm mà quên giây phút hiện tại là chị và chồng đã có hai mặt con", ông nói.
Ông đề nghị: "Chị và chồng cần gặp con để hỏi nguyên nhân vì sao chúng ăn cắp vặt. Anh chị cần giải thích những hậu quả của tật xấu này. Anh chị cũng cần đến xin lỗi, bồi thường, khuyên con nên trả lại người ta những gì đã lấy nếu còn giữ lại". Chuyên gia này cho rằng có thể nguyên nhân khiến con cái sinh tật là do không có việc làm, bất mãn chuyện cha mẹ đánh đập, ly thân. Hãy lắng nghe con nói, không nên dùng đòn roi đánh đập mà hãy nhẹ nhàng phân tích cho con hiểu. Thậm chí, bố mẹ cần nói lời xin lỗi với hai con về những gì mình đã làm trong thời gian qua. Điều quan trọng nhất là mọi người cùng cố gặp làm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Chuyên gia khuyên nếu có điều kiện, vợ chồng chị Thúy nên cố hết sức để cho hai đứa con đi học lại. Học chữ không thành thì học nghề. Nếu con không thể thì tạo công ăn việc làm cho hai con, mẹ dạy con may vá, chồng dẫn con theo phụ làm hồ, cắt lúa... "Có công ăn việc làm, ổn định về mặt kinh tế, vợ chồng đồng cảm, con cái biết thương cha mẹ thì mọi vấn đề sẽ trở nên tốt hơn", ông Tuyển đúc kết.
Tâm Thương