![]() |
Biểu tình phản đối WEF và Enron tại New York. |
Từ những năm 1997-2000, Công đảng đã nhận khoảng 38.000 bảng tài trợ của Enron, còn đảng Bảo thủ nhận trên dưới 25.000 bảng. Cựu bộ trưởng Năng lượng Lord Wakeham từng là một giám đốc của Enron và nhận 80.000 bảng/năm cùng khoản tiền phụ trội 4.250 bảng/tháng.
Trong bài phát biểu cuối tuần trước, Ralph Hodge, cựu chủ tịch Enron chi nhánh châu Âu, cho biết công ty phải đóng góp những khoản này để có thể tiếp cận các bộ trưởng cũng như nghị sĩ Anh. Theo lời ông Hodge, đây đơn giản là một thói quen và rất thực tiễn. Mặc dù những khoản đóng góp tương đối nhỏ so với số tiền Enron cống nạp ở Mỹ, song những phát hiện này đã tạo ra một scandal tại Anh. Dư luận cho rằng nhiều thay đổi trong chính sách của chính phủ đều xuất phát từ những khoản đóng góp "nho nhỏ" này. Bản thân Hodge từng được Chính phủ Blair khen thưởng năm 2001 vì những cống hiến cho ngành công nghiệp khí đốt và điện năng.
Sau phát hiện trên, đảng Dân chủ Tự do và Bảo thủ kêu gọi mở cuộc điều tra ở quốc hội về các mối quan hệ của Enron với Công đảng. Thế nhưng, dư luận chẳng ai quên rằng chính quyết định tư hữu hóa ngành công nghiệp điện của chính phủ Bảo thủ trước đó đã trao cho Enron miếng bánh đầu tiên tại thị trường năng lượng Anh, ấy là một hợp đồng trị giá 700 triệu bảng để xây nhà máy điện tư nhân chạy bằng khí đốt lớn nhất nước.
Mối quan hệ thân mật giữa Enron và Công đảng
Đầu thập niên 1990, chính quyền Bảo thủ tiến hành chính sách năng lượng gọi nôm na là "tấn công khí đốt", để tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất dầu và than đá. Enron liền thuê các nhà vận động thuyết phục chính phủ. Một trong những người này là Karl Milner, cựu trợ lý văn phòng Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown. Khi Công đảng lên thay Bảo thủ, Enron dễ dàng phát huy hiệu quả. Năm 1998, Milner từng khoe với một nhà báo: "Chúng tôi có nhiều bạn bè trong chính phủ. Họ thường thông báo chuyện này chuyện khác trước vài ngày để biết quan điểm của chúng tôi".
Lần đầu tiên mối quan hệ giữa Enron và Công đảng phát huy hiệu quả là vào ngày 28/4/1998. Hôm đó, Bộ trưởng Công nghiệp John Battle và cựu chủ tịch Enron K. Lay có cuộc gặp. Tuyên bố về chính sách của Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Margaret Beckett được đưa ra ngày 25/6 năm đó. Chỉ 3 tháng sau, Peter Mandelson, người thế chỗ Beckett, tuyên bố Enron mua lại nhà máy nước Wessex Water với giá 1,4 tỷ bảng. Đáng chú ý là trước đó, các công ty Anh đã nỗ lực mua lại nhà máy và họ đều bị chính phủ bác bỏ. Chỉ hai tuần sau, Enron chi 15.000 bảng cho hội nghị hằng năm của Công đảng tại Blackpool, trong đó Tony Blair là khách mời danh dự.
Vài ngày sau, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Mandelson ghìm lại lệnh cấm các nhà máy chạy bằng khí đốt hoạt động. Ngay lập tức, Enron xây một nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới. Sau khi Mandelson bị Stephen Byers thay, 6 cuộc gặp khác được tổ chức giữa quan chức chính phủ với các sếp của Enron mà đỉnh điểm là tuyên bố của Stephen Byers hôm 15/11/2000, rằng chính phủ đã bỏ lệnh cấm các nhà máy điện chạy bằng khí đốt.
Nhân duyên giữa Công đảng với Arthur Andersen
Mối quan hệ giữa Công đảng với các nhân viên kế toán Andersen còn rộng rãi và tai hại không kém quan hệ của nó với Enron. Trong thời gian Công đảng còn trong thế đối lập, năm 1996, Andersen đã tài trợ để Công đảng tổ chức hội thảo tại Đại học Oxford, cố vấn cho các "ngoại trưởng tương lai". Sau khi Công đảng thắng cử năm 1997, chính quyền Blair đã giải quyết một vụ kiện Andersen kéo dài 12 năm với phán quyết đền bù 21 triệu bảng, chỉ bằng 1/10 trị giá bị đòi.
Hai chuyên gia của Andersen là Chris Wales và Chris Osborne trở thành cố vấn của Gordon Brown. Patricial Hewit, từng bỏ việc ở văn phòng thủ lĩnh Công đảng năm 1994 để tham gia Andersen với tư cách Giám đốc nghiên cứu, lại trở về đảng và trở thành Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại. Đặc biệt, công ty này là nhân vật chính tài trợ cho văn phòng Gordon Brown thảo nên chính sách kinh tế của Công đảng đối với chính phủ.
Andersen cũng dính líu vào việc cố vấn cho Chính phủ Blair và các công ty tư nhân trong những dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế...
(Theo Tuổi Trẻ, The Guardian)